Thứ Hai, 29 tháng 8, 2011

NHỚ VỀ MỘT MÙA TRUNG THU

NHỚ VỀ MÙA TRUNG THU CÓ EM
Mùa trung thu năm ấy, anh là người hạnh phúc nhất. Bởi anh có em. Đó là mùa trung thu đầu tiên hai mình yêu nhau. Sinh viên năm nhất Đại học, hai mình đều nghèo em nhỉ? Không đòi hỏi nhiều, đêm trung thu năm ấy em nhớ không, em chỉ muốn hai mình đi ngắm phố với một điều kiện không được đi bằng xe đạp hay xe gắn máy mà chỉ bằng dạo bộ. Thành phố đông người đi rước đèn tháng Tám, nhưng đi cạnh nhau, hai ta như chỉ có một đôi trên đường. Em khoác tay anh. Cái tự hào vênh vênh của người đàn ông lần đầu tiên được khoác tay bạn gái đi trên đường phố khiến anh thầm cười tủm tỉm dọc con đường đi hôm ấy. Hạnh phúc đến đơn giản là như vậy. Rồi mình dừng lại bên hàng đồ chơi, em nhớ không? Đèn lồng xanh đỏ của Trung Quốc bầy nhiều lắm nhưng em đã chọn cho mình một chiếc đèn ông sao năm cánh bằng giấy. Em đùa anh "đây mới là yêu dân tộc anh ạ". Hóa ra khi ấy, em biết chúng mình không có nhiều tiền. Tiền bố mẹ cho dành để đi học, đi mua sách, rồi học thêm ngoại ngữ cũng là vừa đủ cho một tháng nên em không nhiều đòi hỏi. Đồ chơi dù không đắt tiền nhưng em bảo em thích vì nó nhiều ý nghĩa. Đi suốt con đường thành phố hôm ấy, em nâng niu chiếc đèn như một bông hoa hồng đỏ vừa được người yêu tặng. Anh thấy em hạnh phúc, vì em cũng tủm tỉm cười đi bên anh dọc con đường trung tâm thành phố. Chiếc đèn ông sao ấy, em đã không đốt đi sau ngày Trung thu. Và suốt 4 năm học Đại học còn lại, nó vẫn được em treo ở một góc nhỏ trong phòng như một kỷ niệm đẹp, dù cái giấy dán đã bạc phếch mầu …theo trí nhớ của anh.
Mình chia tay. Anh không muốn nhắc lại điều ấy vì nếu cứ sống hoài bằng quá khứ, biết ngày nào mới đến được tương lai. Nhưng ...
Hôm nay, một chiều mùa thu tháng tám, sau khi lên chùa thắp hương nhân ngày mùng một đầu tháng âm lịch. Trên đường về nhà qua phố, anh thấy khắp nơi đã bầy bán bánh nướng, bánh dẻo. Lại sắp đến mùa Trung thu rồi đó em?! Cái heo may và nắng yếu chiều thu khiến lòng anh thêm nhiều trống trải. Đành quên kỷ niệm cũ sao em ….?!

TRUNG THU


“Đêm  thu buồn lắm chị hằng ơi!”
Phố vắng ngoài kia ngủ hết rồi
Gió mùa xuyên qua lòng se lạnh
Tâm hồn từng phút giọt sầu rơi.

“Đêm thu buồn lắm chị hằng ơi!”
Chén rượu mình em cứ đầy vơi
Rót thêm một chén mời xa vắng
Chị uống cùng em một chén chơi.

Tan canh trời đã sắp sáng rồi
Thế là em chị lại đôi nơi
Mỗi năm tháng tám mình tái ngộ
Ta lại kể nhau nghe chuyện đời.
                          
Rằm tháng 8 âm lịch 2003

Trung thu năm nay, anh vẫn lại một mình dạo phố. Trước hàng đèn trung thu xanh đỏ với đủ chủng loại, anh vẫn chọn tìm cho mình một chiếc đèn ông sao xinh xinh bằng giấy. Dù bây giờ không phải tiết kiệm từng đồng tiền bố mẹ cho để được đi chơi cùng em như ngày ấy. Nhưng chiếc đèn ông sao cho anh nhiều kỷ niệm, mà kỷ niệm lớn nhất đó là kỷ niệm về em và mùa Trung thu năm ấy …
Về nhà đêm nay, anh nhẹ nhàng cất chiếc đèn ông sao vào một góc tủ. Cái góc tủ lưu đầy những những kỷ vật của hai đứa mình, kỷ vật và đồ lưu niệm của em tặng anh. Riêng chỉ đèn ông sao này là anh mua cho riêng mình.  Mua lại cho anh một kỷ niệm mà em nỡ bỏ quên khi mình chia tay.

THU KỈ NIỆM

Có một mùa thu em nhớ không?
Đã thành kỷ niệm cất trong lòng
Chúng mình đã yêu nhau đêm ấy
Đón ánh trăng vàng thu mênh mông.

Anh nhớ đến ngày ta có nhau
Vẫn cùng thầm ước chuyện ngày sau
Anh làm ông giáo, em vợ nhỏ
Một mái nhà tranh không úa mầu.

Kỷ niệm giờ đành chôn thật sâu
Thề non hẹn nước nghĩa gì đâu
Ta giờ xa cách, tình hai lối
Mình đón trăng thu bỗng rầu rầu ...

Năm 2005
Đêm nay trầm ngâm một mình ngắm trăng thu trên sân thượng. Trăng tròn và sáng quá nhưng cô đơn em ạ. Anh khẽ rót cho mình một ly rượu uống xuông. Cảm ơn em nơi xa vắng. Cảm ơn em đã cho anh nếm cái vị ngọt hạnh phúc của người được yêu mùa Trung thu năm ấy. Cảm ơn em đã cho anh nếm vị đắng và cái cảm giác cô đơn của mùa Trung thu năm nay.
Anh nhớ em rất nhiều!
Cùng thao thức với bản nhạc "Hoa Sữa" và mùa thu em nhé. Em ấn nút Play để nghe qua tiếng hát Lê Dung
Sáng tác: Chu Hồng Đông
Năm 2011

Thứ Tư, 24 tháng 8, 2011

VỚI ANH TRAI

NHỚ VỀ ANH
Trong mấy anh em mình, anh là người vất vả hơn cả. Tuổi thơ bỏ dở con đường học hành, rồi ba mất sớm, anh mồ côi. Trưởng thành, anh xây dựng gia đình riêng, hai cháu ra đời, là niềm vui nhưng cũng thêm niềm vất vả. Thương anh nhưng bản thân em cũng không khá hơn về kinh tế. Em chỉ may mắn hơn là còn cả ba và mẹ và một công việc ổn định mà thôi. Cùng động viên anh nơi phương xa, em chép lại bài thơ cũ, bài thơ viết ngày chia tay anh về trong ấy .... để mình cùng chờ những hạnh phúc yên bình đến từ tương lai.

TIỄN ANH CHIỀU SÂN GA

Anh về nhé, hãy lo đến tương lai
Vợ con anh chưa qua thời thơ dại
Em vẫn hiểu đời mang nhiều ngang trái
Thương anh nhiều nặng trĩu một đôi vai.

Bao nhiêu năm giờ đây mình gặp lại
Vui ba ngày mà đã nói chia xa
Đêm bên nhau tâm sự lấy làm quà
Để xa rồi vẫn nhớ từng giọng nói.

Anh về nhé, hãy lo đến tương lai
Em ở lại con đường còn vất vả
Mong mai này về già ta khấm khá
Ngồi bên nhau ôn những lúc cơ hàn.

Vui vui nhiều nhưng lệ vẫn chứa chan
Hạnh phúc nào không đổi bằng nước mắt
Thành công nào chẳng gặp những gian nan
Cố nhé anh, hạnh phúc ta sẻ san

Chu Hồng Đông
Năm 2004
Anh cùng nghe ca sỹ Quang Lê hát lại "Hai chuyến tầu đêm" của nhạc sỹ Trúc Phương. Chúc anh, chị và hai cháu nhiều sức khỏe, may mắn và an lành nơi phương xa.

Thứ Ba, 23 tháng 8, 2011

CHO NHỮNG LẦN ĐI CÔNG TÁC XA

CHO LẦN ĐI CÔNG TÁC XA ...
Ngồi nhẩm tính thời gian trên ngón tay. Cũng đã gần năm năm tôi đi làm rồi. Năm năm chừng ấy chưa nhiều nhưng cũng chất đầy những kỷ niệm đẹp, những ước mơ đẹp của tuổi trẻ. Nhớ về những ngày khi làm ở một đơn vị tư vấn khảo sát, mỗi chuyến đi thực địa xa nhà là những chuyến đi tôi mong đợi nhất. Được đi xa khỏi thành phố, được sống với người dân mình thật thà, lam lũ nhưng thắm nồng tình cảm trong vài ngày. Kỷ niệm ấy cũng thấy đáng yêu làm sao. 

TÂM SỰ CON XA NHÀ

Con đi khảo sát ba tuần rồi
Ba tuần đi với núi với đồi
Hôm nay ngày nghỉ được thảnh thơi
Nhớ mẹ ra nguồn ngắm nước xuôi.

Mẹ thương quê nghèo giục con đi
Dựng cho quê mình cho đến khi
Đâu đâu cũng là đường là phố
Ngược xuôi không còn khoảng cách gì.

Hôm qua dừng chân một bản Dao
Khách lạ bà con yêu mến chào
Đêm bên bếp lửa ngồi tâm sự
Con đường qua bản dân khát khao.

Con hiểu rồi đây trách nhiệm nhiều
Vất vả gian nan lòng chẳng xiêu
Con hứa làm nên nhiều đường đẹp
Đất nước khang trang dân mến yêu.

Chu Hồng Đông
Năm 2004.

Hình ảnh những bà con miền ngược khi thấy đoàn khảo sát làm đường qua bản, có chút gì tò mò, lạ lẫm để lại cho tôi nhiều ấn tượng.

"Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai ..." cùng thắp lên niềm lạc quan, yêu đời qua ca khúc "Một đời người một rừng cây" của tác giả Trần Long Ẩn. Bạn ấn nút PLAY để nghe qua tiếng hát trầm ấm Quang Dũng.
Giờ đây điện đã về vùng cao, sóng moblie cũng phủ khắp các bản làng, các dịch vụ truyền hình số qua chảo parabol cũng thành phổ thông nơi miền núi. Thêm những con đường sắp mở, miền núi đang dần gần hơn với miền xuôi. Cái hạnh phúc được góp một phần rất nhỏ của mình cho quá trình hội nhập ấy làm tăng thêm nhiệt huyết công tác mỗi khi tôi nhìn lại những ngày đã qua ấy ...

Chu Hồng Đông
Viết nhân một ngày lại đi qua các bản làng giữa rừng núi đá vôi Võ Nhai - Thái Nguyên

Thứ Hai, 22 tháng 8, 2011

VỚI THẦY GIÁO CŨ

VỚI THẦY GIÁO CŨ
Con nhớ xưa thầy bảo: Làm văn nghệ không bao giờ dễ cả. Nhất là viết văn và sống vì nghiệp văn. Thầy ví viết văn với người thợ đào mỏ, chắt tìm từng "hạt ngọc" ngôn từ trong tấn quặng ngôn ngữ là tiếng Việt mà nhiều người ví "nói ở đây, chết cây Hà Nội". Thầy dậy con rất nhiều về nghiệp viết nhưng rút cục thầy vẫn dặn. Với văn nghệ chỉ có 2 loại mà thôi: Một là nghệ thuật vì cuộc sống (1) và một thứ nghệ thuật hời hợt theo mốt của thị trường, viết rồi đọc để người khác quên (2).... Và nếu con theo nghiệp viết, con phải chọn một trong hai thứ ấy mà thôi.
Có một thời con đã viết. Không nhiều lắm về cuộc sống quanh con. Về hạnh phúc của cá nhân con. Về những niềm vui, nỗi buồn con tìm được trong khám phá cuộc sống. Thầy vẫn theo sát từng trang viết ấy. Thầy sửa từng cách gieo vần, ngắt nhịp, để thơ văn con hay hơn. Dễ đi vào lòng người hơn. Và để những đứa con tinh thần ấy có sức sống, sức lan tỏa trong xã hội, thầy chắp cánh cho các tác phẩm của con được đăng báo, từ văn nghệ địa phương đến các tạp chí có uy tín trong vùng Đông Bắc.

TÂM SỰ TRÒ CŨ

Con lại về đây để thăm thầy
Với xuân Ất Dậu tay trong tay
Thương con người trò ngoan ngày ấy
Cố gắng bao năm để như này.

Thầy vẫn động viên nhắc nhở con
Theo nghiệp văn chương như đào non
Vất vả con ơi đừng nhụt trí
Sắt có mài lâu mới vuông tròn.

Hết xuân con lại bước mọi nơi
Chân trời góc bể để xây đời
Mỗi mùa mai nở con lại nhớ
Những lời thầy dậy thấm thầy ơi!

Chu Hồng Đông
Xuân Ất Dậu, 2005.

Sau vài vấp ngã trong cuộc sống và quay về với hiện thực đời thường con không còn theo nghiệp viết nữa. Với văn chương ngày xưa con viết, con chép lên đây để làm kỷ niệm về một thời đã qua trong cuộc đời. Chưa hẳn kỷ niệm ấy đã đẹp, đã vui nhưng đều đáng nhớ và chắc chắn nhớ khi muốn trưởng thành hơn trong cuộc sống về sau. Con đặt tên trang viết "Chu Hồng Đông - Một thời để nhớ ...". Sau này, và về sau này nữa, khi nhớ về ngày xưa, con, bạn con và những người sống bên con sẽ tìm về trang viết ấy như một dấu tích đẹp không lỡ xóa trong cuộc đời.
"Cảm ơn đời mỗi sáng mai thức dậy. Ta có thêm ngày nữa để yêu thương".

Chu Hồng Đông (2010)
(1) - Nghệ thuật vì cuộc sống: Xưa nhà văn Hải Triều đưa ra quan niệm về "Nghệ thuật vị nhân sinh" (coi trọng các chức năng xã hội của văn chương), nhà văn Hoài Thanh đưa ra quan niệm về "Nghệ thuật vị nghệ thuật" (coi trọng tính nghệ thuật của văn chương). Với thầy, thầy dung hòa cả hai quan điểm ấy. Và mối quan hệ xã hội - văn chương không tách rời. Thầy dùng một từ rất chung đó là thứ nghệ thuật vì cuộc sống.
(2) - Nghệ thuật thị trường: Là thứ nghệ thuật dễ dãi, viết cho thị hiếu và nhu cầu của lớp công chúng. Không mang giá trị cao. Không có đóng góp lớn cho nghệ thuật cũng như cuộc sống.

Thứ Bảy, 20 tháng 8, 2011

ĐÊM CANBERRA VÀ CÔ

ĐÊM CANBERRA VÀ CÔ
(Quý tặng mẹ bé Cẩm Nhung - PhD. Trần Thu Hà, Đại học Thái Nguyên, cho những ngày du học xa quê hương)

Đêm đã về thành phố Canberra
Cô vẫn thức cùng từng trang luận án
Đêm không dài trời đã mau chuyển sáng
Nhớ Việt Nam cô ngồi trước computer.

Cảm ơn cô, thời gian dù ít ỏi
Vẫn lại giành cho cháu để đọc thư
Cô động viên cháu, cháu động viên cô
Những Email tưởng một đời thầm lặng.

Ở Nam Úc mùa này đang còn nắng
Với quê hương cũng đã chuyển sang hè
Cô thấy không thời gian qua rất vội
Chẳng còn lâu xa cách lại đoàn viên.

Cô siêng học, chú siêng làm, em giỏi
Cả ba người đều cố gắng hôm nay
Noi gương cô cháu sẽ học hăng say
Và sau này cũng siêng làm như chú.

Cô thấy không, cố gắng thôi chưa đủ
Ở đời này cần có một niềm tin.

Chu Hồng Đông
Sáng tác năm 2004
Bé Cẩm Nhung lúc 3 tuổi
Bé Cẩm Nhung lúc 4 tuổi
Bé Cẩm Nhung lúc 5 tuổi

Thứ Năm, 18 tháng 8, 2011

CÂU CHUYỆN MỘT NGÀY MƯA NGÂU

Tôi là người ít thích nghe chuyện người lớn, nhất là những chuyện thầm kín của vợ chồng. Nhưng hôm nay ngồi coffee với anh Minh ở Trịnh quán, quanh một vòng câu chuyện lại quay về cái chuyện yêu đương chăn gối. Có gì thú vị nhỉ? nhưng nó là câu chuyện mà người ta có thể nói với nhau dài nhất mỗi lần nhàn đàm về cuộc sống. Đó là hương vị tình yêu ...
Câu chuyện bắt đầu khi tôi thấy anh Minh buồn. Gặng hỏi tôi mới biết anh và vợ đang giận nhau. Lý do để dẫn tới cuộc lạnh ấy là câu chuyện thầm kín vợ chồng. Chị nghi ngờ anh có vợ nhỏ khi lửa tình yêu giữa hai anh chị chuyển sang một giai đoạn mới mà theo lời anh đó là giai đoạn Tình chiếm phần trăm ít hơn Nghĩa trong cái 100% của TÌNH NGHĨA vợ chồng. Hỏi về nguyên nhân, trả lời sòng phẳng giữa hai người đàn ông, anh bảo do công việc của anh dạo này bận, ngoài công việc, hết giờ làm là tiếp khách bằng rượu và bia, lần nào về nhà cũng muộn, cũng ngà say. Rồi mỏi mệt anh anh lăn ra ngủ, quên mất vợ yêu nằm bên đợi chờ. Điều ấy làm vợ anh nghi ngờ anh có vợ nhỏ và tình yêu của hai anh chị đã nguội tàn ...

NGUỘI TÀN

Anh trở về khi đêm đã vào khuya
Người đàn ông lặng thầm ngồi trước em và khóc
Lồng ngực em phanh trần như mời mọc
Anh chẳng nói gì khẽ khép áo cho em.

Anh đâu rồi hung hãn của thói quen
Vẫn chủ động trong những lần chăn gối
Hay đúng rồi anh, anh vừa mắc tội
Đã đi cùng một người đàn bà khác em.

Đừng giải thích gì, em chẳng muốn nghe đâu
Hãy ôm em vào lòng để em biết rằng anh đang xám hối
Em vẫn nằm đây nửa bên kia đèn ngủ - bóng tối
Hay tại mình đã vào tuổi hoàng hôn?

Năm 2009

Hóa ra câu trả lời rõ nhất, anh biết nhưng anh không giải thích cho vợ hiểu. Lẽ ra người phụ nữ nhậy cảm trong chị phải biết điều ấy và cùng cảm thương cho chồng. Ngoài công việc, gia đình đàn ông còn có sĩ diện trước bạn bè và rượu.
Bạn ấn nút Play để cùng nghe lại "Ru Đời đi nhé" của Trịnh Công Sơn qua tiếng
ghi-ta và giọng hát Toàn Nguyễn.
Lâu lâu, gặp nhau đi ngồi uống nước, nói chuyện về cuộc sống đời tư cũng thấy ý nghĩa. Hóa ra câu chuyện ân ái người lớn mà tôi thường không thích nghe cũng có điều thú vị. Nó không đơn giản như chơi trò ghép hình hai nửa để tạo thành một trái tim. Và hạnh phúc ngoài vị ngọt truyền thống, hình như có một phần rất nhỏ vị đắng của tình yêu.

EM BIẾT

Em vẫn hay nhủ lòng mình như thế
Cuộc sống này có ai hiểu nhau đâu?
Thời gian ơi! cứ như nước qua cầu
Tuổi trẻ mình chẳng hai lần thắm lại.

Tóc điểm bạc rồi, thế giới đã sang hai
Anh không còn đùa : "Mình vẫn đang còn trẻ"
Em cũng biết chúng mình đang cách biệt
Quá gần nhau mà cũng rất xa xôi.

Nói đi anh dù chỉ ngắn một lời
Rằng mình sẽ không làm nhau đau khổ
Tự trong lòng em biết là đổ vỡ
Nhưng chúng mình vẫn giả vờ yêu thương.

Nói đi anh sắp hết một đoạn đường
Ta vẫn còn rất nhiều chưa làm được
Nói đi anh từ đây cho về trước
Đã có thời mình từng hiểu được nhau.

Em chẳng trách nữa đâu mỗi lần anh về muộn
Dù giờ làm bốn rưỡi Sở đã tan
Em chẳng trách nữa đâu những lần anh say rượu
Đàn ông tiêu sầu khi tuổi bóng hoàng hôn.

Em với lòng mình muôn kiếp cô đơn
Nhưng vẫn cố để vui vầy ngày tháng
Hết rồi anh tuổi trẻ nào lãng mạn
Tình đã vơi rồi chỉ có nghĩa đầy thôi.

Tháng 3 năm 2006

Sáng tác: Chu Hồng Đông
Nhân 1 chiều mưa ngâu tháng 7 ngồi uống coffee ở Trịnh quán, nghe anh Minh kể về cuộc sống vợ chồng.

Thứ Sáu, 12 tháng 8, 2011

MỘT THOÁNG EM ĐI CHỢ THÁI ...

MỘT THOÁNG QUÊ HƯƠNG
"Quê hương là gì hả mẹ
Mà sao cô giáo dậy phải yêu
Quê hương là gì hả mẹ
Ai đi xa cũng nhớ nhiều"
Mỗi người trong chúng ta đều có một cách định nghĩa riêng về quê hương của mình. Từ ngàn xưa đến nay, đã bao người đưa ra định nghĩa về quê hương ấy. Mỗi người một vẻ nhưng đều giống nhau ở một điểm Quê hương đều gần gũi và đáng yêu, đáng nhớ.
Với một anh chàng trong ca dao, quê hương có nghĩa là "canh rau muống" là "cà dầm tương":
"Ra đi anh nhớ quê nhà
Nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương
Nhớ ai dãi nắng dầm sương
Nhớ ai tát nước bên đường hôm nao"
(Ca dao)
Và quê hương với anh, ngoài các sản vật đặc trưng cho vùng miền, còn có bóng hình một người con gái, tần tảo "dãi nắng, dầm sương", "tát nước bên đường" với công việc đồng áng quanh năm vất vả.
Sau hơn một chút, nhà thơ Giang Nam định nghĩa quê hương là "ngày hai buổi đến trường", là "trang sách nhỏ", là chăn trâu, cắt cỏ để "mơ màng nghe chim hót trên cao" hay là "những ngày trốn học bị đòn roi". Và nắm đất quê hương là một phần sương máu của người thương.
Thủa còn thơ ngày hai buổi đến trường
Yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ
Ai bảo chăn trâu là khổ
Tôi mơ màng nghe chim hót trên cao
....
Xưa yêu quê hương vì có chim, có bướm
Có những ngày trốn học bị đòn, roi
Nay yêu quê hương vì trong từng nắm đất
Có một phần xương thịt của em tôi.
(Giang Nam)
Nhà thơ Đỗ Trung Quân sau này cũng định nghĩa quê hương thật gần gũi bằng "chùm khế ngọt", là "đường đi học", là "con diều biếc" mà tuổi thơ đem thả trên đồng hay quê hương là "cầu tre nhỏ" ... mà "mẹ về nón lá nghiêng che".
Nhiều những áng văn thơ nữa, của bao lớp văn sỹ hay thi nhân đưa ra để định nghĩa chỉ hai từ thôi QUÊ HƯƠNG.
Hôm nay trong một chuyến đi xa, về tận miền trung đầy nắng và gió. Xa quê hương Thái Nguyên, mảnh đất trung du bắc phần Việt Nam, tôi mới có thêm thời gian để chiêm nghiệm xem "Quê hương là gì hả mẹ" với một người con, sinh ra, lớn lên, trưởng thành rồi đi làm trên quê hương Thái Nguyên như tôi.
Lần tìm trong trí nhớ các tác phẩm văn học hay âm nhạc về quê hương Thái Nguyên, tôi tìm được một ca khúc mượt mà, nói hộ tôi rất nhiều về định nghĩa quê hương Thái Nguyên của tôi. Đó là "Em đi chợ Thái", một tác phẩm âm nhạc được phổ từ thơ của tác giả Phạm Xuân Đương.

Bạn ấn phím Play để thưởng thức ca khúc "Em đi chợ Thái". Lời thơ Phạm Xuân Đương, đặt nhạc Lê Tú Anh. Tiếng hát Anh Thơ diễn xuất.

EM ĐI CHỢ THÁI
 - Thơ: Phạm Xuân Đương.
 - Nhạc: Lê Tú Anh

Em đi chợ Thái, thành phố Thái Nguyên
Qua cầu Bến oánh nơi miền trung du
Đợi chờ em đợi chờ ai
Chờ người tri kỷ tuổi thơ năm nào
Bên sông bến nước con đò
Êm êm một khúc, tơ duyên sông Cầu
Người ơi, này người ơi
Hát rằng câu lượn, câu sli
Thắm tình tình si
Tình lượn mái đình bên sông
Tình em như hoa tím thủy chung
Bên nhau chung sức dựng xây quê mình
Người ơi, này người ơi
Hãy về Bến Tượng mà nghe
Câu hò vườn hoa ngào ngạt đôi bờ  sông quê
Mời anh em nâng chén chè xanh
Xanh như  khúc hát tặng anh đêm hội

Ai qua chợ Thái, mời người ghé thăm
Quảng trường lộng gió, Tượng đài trang nghiêm
Qua cầu Gia Bẩy cùng em
Ngọt ngào câu lượn, người quên lối về
Lung linh sóng nước sông Cầu
Trao nhau một mối tơ duyên năm nào
Người ơi này người ơi
Hãy về thăm miền quê tôi
Có (chén) nước chè xanh
Ngọt giọng câu hò thêm vang
Người ơi hãy nhớ đừng quên
Câu sli em hát tặng anh đêm hội
Người ơi này người ơi
Dẫu cho cách trở đôi nơi
Hỡi người, Tình em còn đọng mãi đợi yêu thương
Dù xa anh nhé đừng quên
Yêu em hãy đến Thái Nguyên quê mình
Bài ca em hát tặng anh
Chung tay xây đắp Thái Nguyên quê mình.

Trong nhiều tác phẩm viết về quê tôi, "Em đi chợ Thái" có lẽ gần gũi nhất cho những ai sinh ra ở thành phố Thái Nguyên. Không chỉ bởi được gợi tứ từ một ngôi chợ với kiên trúc hiện đại, mà bài thơ hay ca khúc đã gợi được tất cả về thành phố thân yêu này. Thành phố Thái Nguyên, đô thị loại I, một thành phố trẻ với gần 50 năm xây dựng và trưởng thành.
Cảm nhận về quê hương Thái Nguyên trên phương diện kiến trúc và kết cấu hạ tầng, bài thơ và ca khúc "em đi chợ Thái" đưa ta qua Cầu Bến Oánh; Cầu Gia Bẩy nơi miền trung du, rồi Đường Bến Tượng, Quảng trường lộng gió và Tượng đài trang nghiêm. Những tên đường, tên những nhịp cầu quen thuộc và đặc trưng  cho một đô thị trung du như thành phố Thái Nguyên. Bản thân những tên gọi ấy không gợi nhiều thơ và nhạc nhưng qua sự sắp xếp ngôn từ tài tình của tác giả, nó trở nên đẹp và ý nghĩa. Người thưởng thơ hay nghe nhạc như đang được đi dạo một vòng quanh thành phố thân yêu, được ghé qua những con đường, những cây cầu, những mái đình, vườn hoa hay quảng trường thành phố. Cách đặt nhạc mượt mà khiến lòng người như say đắm hơn với thắng cảnh thành phố thân yêu này. 
Cảm nhận về quê hương trên phương diện văn hóa phi vật thể, Thái Nguyên được nhắc đến với hát giao duyên qua "câu sli" của đồng bào dân tộc Nùng, "câu lượn" của đồng bào dân tộc Tầy. Nếu không hiểu văn hóa hát giao duyên của đồng bào, sẽ có người thắc mắc tại sao tác giả lại nhắc đến "câu hò vườn hoa ngào ngạt đôi bờ sông quê". Hát giao duyên bằng sli hay lượn thường do một đôi trai gái hoặc một vài đôi trai gái thể hiện theo lối đối đáp. Bao giờ cũng có người đứng ra Sli trước. Người hát trước thường là người có giọng vang, trong và phải có khả năng ứng đối khéo léo, tài tình và nhanh nhạy. Khi bên này vừa ngừng tiếng Sli (hỏi) thì bên kia cũng phải có người nhanh chóng cất lời Sli để đáp lại. Tiếng hát giao duyên trai gái tình tứ nghe như tiếng hò bên sông Cầu vậy, êm đềm, ru dương, say đắm lòng người. Ai đã trót yêu hai làn điệu dân ca dìu dặt này rồi, xa Thái Nguyên chắc càng thêm nhớ!?
Và sau cùng, nhắc đến Thái Nguyên quê tôi là nhắc đến đặc sản "chè Thái".  Sản phẩm chè Thái có hương vị đặc trưng mà không nơi nào khác có được. Từ rất lâu, chè Thái Nguyên đã được tôn vinh là "đệ nhất danh trà" của đất nước. Chè Thái Nguyên ngon nhất là chè xanh Tân Cương, búp đều, nhỏ, hình móc câu, có vị cốm thơm được pha bằng nước suối đầu nguồn, nuớc sạch ở giữa lòng sông hoặc nước giếng khơi.
Quả vậy, bài thơ ngắn, ca khúc cũng hát trong vòng 5 phút nhưng nói hộ lòng người được bao điều. Nó giúp tôi lý giải tại sao xa Thái Nguyên thấy nhớ lạ lùng. Nhớ phố phường quanh co bình dị, nhớ câu hát giao duyên thắm tình quê hương, nhớ ly trà xanh ngọt giọng người xa xứ.
Sáng mai thôi, giữa mảnh đất miền trung này trong cuộc giao lưu, khi bạn bè hỏi tôi về quê hương Thái Nguyên, ca khúc "Em đi chợ Thái" sẽ thay tôi trả lời tất cả. Mộc mạc, thân thương mà gần gũi.
"Bài ca em hát tặng anh
Chung tay xây đắp Thái Nguyên quê mình"
Tôi viết lên đây, cảm nhận của cá nhân tôi về một thoáng quê hương qua một ca khúc nhẹ nhàng mà thật đẹp. Đối với những người con quê hương Thái Nguyên, đi xa quê lại mong một lần được trở về để "em đi chợ Thái" ... Và với những ai chưa một lần đến Thái Nguyên, nhưng qua câu hát ngọt ngào mời đón, sẽ ước ao trong hành trình của đời mình được một lần đến với quê hương của Chè Thái, của dân ca hát sli, hát lượn, và một đô thị mới mang dáng dấp hiện đại, văn minh, mang đặc trưng của vùng miền núi trung du đang dần hình thành bên bờ sông Cầu thơ mộng.
Bài viết: Chu Hồng Đông
Thanh Hóa, tháng 7 năm 2011 - Nhân một chuyến đi xa, nhớ về quê nhà Thái Nguyên.

Thứ Năm, 11 tháng 8, 2011

THƠ CHO CHỊ

THƠ CHO CHỊ GÁI PHƯƠNG XA

Chị Quỳnh Hương xa nhớ!
Đêm nay thu về, trời se lạnh. Ngồi quán nhâm nhi coffee chợt nhớ về chị. Về những tháng ngày đã xa trong kỷ niệm. Ngày ấy, em mang trong mình nhiều ước vọng viển vông quá nên phần nhiều chúng không thành sự thật. Chẳng hạn như ước mơ đầu đời sau này làm nhà giáo ... Rồi như lẽ tự nhiên, khi ước mơ không thành, em buồn và thu mình bé lại. Lần bên chị ngày ấy, chị đã động viên rất nhiều để em lấy lại niềm tin vào  cuộc sống, niềm lạc quan vào ngày mai. 
Để lưu lại kỉ niệm ấy về chị, em chép lên đây những bài thơ viết về tình chị - em ấy ...

BAO GIỜ EM VUI

Hôm qua tôi gặp lại chị tôi
Tình cờ trên phố nói đôi lời
Chị trách rằng tôi sao hờ hững
Bỏ mặc cho đời tự nó trôi.

Cạn lời chị nhủ rằng thế thôi
Em đừng buồn nữa, hỡi Đông ơi
Hãy vui đi em để mà sống
Sầu nào năm tháng rồi chẳng vơi.

Rồi em sẽ có một gia đình
Một mái ấm nhỏ kế mưu sinh
Giàu sang quyền quý do duyên số
Còn hạnh phúc không thì ở mình.

Lẽ sống bây giờ thế thôi em
Hỏi đến bao giờ hết bon chen
Chị thương cho em nhiều mơ ước
Mà đời thì không là ước mơ.

Đôi lời tâm sự rồi chị đi
Để tôi ở lại với nghĩ suy
Phải chăng tình đời xưa vẫn vậy
Vỡ mộng - Hết tình - Người  biệt ly.

Tháng 11 năm 2002.


TẾT XA NHÀ NHỚ CHỊ

"Tết này chưa chắc em về được
Em gửi về đây một tấm lòng"
Chị nhé năm nay hoa đào nở
Chưa thấy bóng người chị đừng mong.

Em gửi về đây  áo mùa đông
Cái mầu chị thích trắng pha hồng
Tết này mong chị mặc áo mới
Phương xa em sẽ thấy ấm lòng.

Em gửi về đây một bức thư
Đơn sơ mộc mạc những ngôn từ
Hỏi thăm sức khỏe người chị gái
Đôi dòng kể những chuyện tâm tư.

Em gửi về đây chiếc bánh chưng
Tự tay em gói chắc chị mừng
Lá xanh, bánh dẻo lòng thơm thảo
Vắng em Tết sẽ vẫn tưng bừng.

Em nhớ cách nay đã ba xuân
Em đi chị vẫn giữ phân trần
Ở lại mình có em, có chị
Sợ đâu kiếp sống bể trầm luân.

Em đi chị nhớ một mùa dài
Xuân hạ thu đông vẫn ngóng ai?
Tết này lại thêm một xuân nữa
Mình vẫn phải chờ đến tương lai.

Tháng 12 năm 2003.

NHỚ CHỊ XƯA

Em nhớ chị Hương mùa phượng ấy
Rưng rưng lệ nhỏ phút chia tay
Chị vẫn dặn em trai yếu đuối:
"Mai rồi xuôi ngược nhớ chị nghe
Em phải sống hết lòng tuổi trẻ
Đừng muộn phiền như những chú ve
Chỉ kêu thương sầu não suốt mùa hè
Làm đau đớn tâm hồn trai trẻ".

Em nhớ chị Hương mùa phượng ấy
Tóc dài trong gió như làn mây
Chị vẫn dậy phải xây nhiều mơ ước:
"Dẫu cuộc đời có lúc trắng lúc đen
Đừng em nhé bi quan chán lản
Tan nát cõi lòng trong giấc mộng viển vông
Mai xa rồi chị cũng sẽ nhớ Đông
Và mai kia khi chị đã có chồng
Em vẫn là em trai của chị
Ngày hôm nay ta chỉ tạm chia ly
Rồi trong đời sẽ có ngày tái ngộ
Cuộc đời có đâu là bể khổ
Em đừng buồn, xây mộng nữa đi em ..."

Tháng 7 năm 2001
Sáng tác: Chu Hồng Đông

Thứ Tư, 10 tháng 8, 2011

LẠNH .....


GIAO MÙA

Có phải gió về rồi không anh?
Lá  khô rét lạnh đã lìa cành
Mưa phùn giăng qua từng ngõ nhỏ
Chưa đêm mà đường phố vắng tanh.

Em kéo chăn che cho thân mình
Bên kia sao vắng một bóng hình
Nếu giờ anh ơi, còn thấy rét
Về đi để sưởi ấm bình minh.

Em vẫn ngồi đây chờ giao mùa
Ván bài tình ái thắng hay thua
Bích - Tép - Rô - Cơ vẫn còn đó
Yêu thương hờn giận giữ bao mùa.

(Tháng 12 năm 2002).



EM SANG NGANG RỒI

Tôi về đây được tin em lấy chồng
Cuối đông năm ngoái đò ngang sông
Em ơi! hò hẹn chi đau khổ
Để giờ cho anh tan nát lòng.


Ngày đi năm trước nhớ không em?
Trao tôi khăn hồng, em vẫn bảo:
- Em đợi anh về đêm hôm nao
Như đêm hôm nay ngày ly biệt.


Tôi đã về đây, phố không em
Mưa chiều rét lạnh chiếc áo len
Lang thang một mình tôi hỏi phố
Có còn nữa không, bóng hình em.


Phố vẫn đông người qua không đáp
Tình duyên lâu ấy thật phũ phàng
Giá như trời đừng làm chia cắt
Giá như em đừng vội sang ngang.


(Tháng 10 năm 2002).


NỐI BUỒN CON SÁO SỔ LỒNG

Lạc bầy sáo nhỏ đã về đâu
Thăm thẳm chiều hôm giữa biển sâu
Nhớ ai mà bay đi mải miết
Để sóng chờ lâu đến bạc đầu.


Sáo ơi! Hạnh phúc tìm thấy không?
Ngoài kia xa lắm biển trời Đông
Thương em một mình đôi cánh nhỏ
Có hạnh phúc không sống bên chồng?


Anh về đây em, mùa đông trước
Không kịp nữa rồi, em sang ngang
Nhìn theo ngày cưới em mất hút
Còn lại riêng anh với bẽ bàng.


Năm  nay gió bấc, mưa phùn sang
Rét lạnh lòng anh buồn vẫn mang
Hỏi bao giờ đây thì xuân tới?
Để cho anh quên được hẳn nàng.


(Tháng 12 năm 2002).


Sáng tác: Chu Hồng Đông
Trích trong tập "Bây giờ em vui" năm 2002.

Thứ Sáu, 5 tháng 8, 2011

MÙA XUÂN ẤY

ĐỂ LÀM LẠI TỪ ĐẦU ...

Em yêu! Giờ ta xa nhau, anh mới có thời gian để nhìn lại cuộc tình mình từ ngày ấy. Ngày mà nó bắt đầu chớm nở cho đến lúc phai tàn. Lâu mà cũng nhanh đến lạ. Đau mà rồi vẫn phải quên để sống.
Em còn nhớ không. Trong cuộc tình mình, em là người chủ động trước. Thời cắp sách đến trường, anh lo cho sự học nhiều hơn. Nhận được lá thư tình đầu tiên từ em, anh đã chối lòng đó không phải là tình yêu thực sự mà là một sự ngộ nhận của tuổi mới lớn chăng? Khi ấy anh đã là người từ chối với lý do đơn giản "Em chưa hiểu tình yêu là gì cả?".

YÊU

Em chưa hiểu tình yêu là gì cả
Vậy xin em đừng bảo yêu tôi
Đừng viết thư và đừng nhìn tôi nữa
Đừng đêm về lại mơ thấy bóng tôi.

Em chưa hiểu tình yêu là gì cả
Nhưng tôi hiểu tình yêu của tuổi trẻ
(Cái tình yêu mà chết ở trong lòng)
Chết ở nơi trái tim cháy bỏng
Để được yêu, được mến, được thương.

Em chưa hiểu tình yêu là gì cả
Nhưng thời gian sẽ giúp em trả lời
Đến khi đó thì anh chấp nhận
Để em yêu và mãi mãi yêu em.

Năm 1997.

Lúc ấy, anh muốn hai mình tập trung cho học, "Vội vã làm chi cái chữ tình. Để hồn vương vấn chuyện linh tinh. Thầy u mà biết buồn ghê lắm. Cố nhé lên em, gắng học hành". Mình vẫn động viên nhau như thế. Học và lập nghiệp là yếu tố đặt lên hàng đầu cho đôi mái đầu còn quá xanh. Thời gian ấy, bên nhau, hai ta là bạn học tốt, là nguồn động viên nhau học và  cống hiến. Anh và em có một lời ước hẹn là khi vào Đại học rồi sẽ là người yêu nhau thực sự "Đến khi đó thì anh chấp nhận" cái lá thư tỏ tình ngây ngô để ngăn bàn hôm ấy, và sẽ "mãi mãi là người yêu em"...
Rồi mình yêu nhau.
Và những lần mình hẹn họ, không biết em còn nhớ. Em đi học xa về, cuối tuần mình bên nhau, lang thang các quán nước. Em muốn chọn những nơi nhẹ nhàng để nói chuyện và nghe nhạc. Có những lần ngồi bên nhau lâu quá, rồi mưa ùa về, không về nhà được, hai đứa trong quán ngồi uống nước ngắm mưa. Tình cờ bữa ấy, nhà hàng chơi bản nhạc không lời Diễm xưa của Trịnh Công Sơn. Anh ê a hát theo điệu nhạc. Anh hát không hay nhưng em bảo em thích. Phải chăng vì lúc ấy nó quá hợp tình, hợp lý và hợp với cảnh vật và từ đó bên nhau lần nào em cũng chỉ thích anh hát duy nhất bài nhạc ấy.
Rồi chúng mình ra trường đi làm. Cũng là lúc tình yêu của đôi mình có vết rạn. Anh không nhận ra điều ấy, vì ngoài em anh chỉ còn công việc. Rồi khi anh biết đến người thứ ba trong cuộc tình mình thì đó là dấu hiệu đổ vỡ hoàn toàn. Tại ai em nhỉ? Giờ đổ  lỗi cũng chẳng làm gì nhưng anh biết thêm một điều rằng trong cuộc sống ngày nay ai cũng cần có tiền, quyền và địa vị. Để làm được điều đó người ta sẵn sàng hy sinh tất cả, hy sinh ngay cả tình yêu được nuôi dưỡng từ bao năm trong cuộc đời. Tình yêu vì thế không còn nhiều thi vị nữa ...

MÙA XUÂN ẤY

Anh cứ nghĩ tình yêu là vĩnh viễn
Rằng chúng mình không ai khác ngoài nhau
Mùa xuân ấy thế mà ta ly biệt
Những hoa đào như máu nở ngàn sau.

Chớp qua mắt trăng rằm mười sáu
Khép lại rồi xa lắm tóc mây ơi
Đã im lặng giọng chim nào óng ả
Bậc thang đưa cỏ dại đến chân trời.

Anh vẫn tin giọt nước mắt ấy rơi
Thao thức hát âm thầm trong đất mẹ
Em thấy không mùa xuân còn rất trẻ
Chúng mình còn chưa tạc được bước nhau.

Nên em quên chuyện tình mình ngày ấy
Quên anh đi bằng những giọt lệ sầu
Rồi từ ngày mai xuân lại đến
Ta làm lại từ đầu, làm lại nghe em.

CHĐ-LTH

Anh động viên mình "mùa xuân còn rất trẻ" thế thôi, chứ sang 30 tuổi rồi chia tay lúc này "đã làm lỡ cho cả hai". Vì nếu như khép vào hệ quy chiếu 60 năm cuộc đời thì hai mình đã đi được một nửa chặng đường ấy.
Đêm nay thứ sáu, Thái Nguyên trời lại đổ mưa. Buồn quá! Nhớ lại tình mình, anh "thao thức hát âm thầm" ca khúc cũ: "Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ.... Nhỡ mai trong cơn đau vùi. Làm sao có nhau? Hằn lên nỗi đau. Bước chân em xin về mau .... " (Trịnh Công Sơn - Diễm Xưa).

Em ấn nút Play để nghe lại ca sỹ Khánh Ly hát "Diễm xưa" nhé. Bài hát mà em yêu ngày ấy ...

Tất cả đã qua rồi, anh đã lấy lại bình tĩnh để bước đi tiếp, chắc em cũng vậy. "Rồi từ ngày mai xuân lại đến. Ta làm lại từ đầu, làm lại nghe em" ....
Anh viết lên đây không để vớt vát lại tình cảm của chúng mình, không để cố níu kéo một hạnh phúc không còn là sự thật, không để mua nước mắt khóc thương của ai mà để động viên mình sống tiếp, để nhắc nhở mình khi yêu ai hãy chân thành hơn nữa và phải biết giữ gìn, chân trọng tình cảm ... thứ tình cảm rất đẹp nhưng mong manh dễ vỡ. Đó là Tình yêu. 


Sáng tác: Chu Hồng Đông 2011

Thứ Ba, 2 tháng 8, 2011

CHUYỆN XƯA HOA TÍM

NHỚ MÃI VỀ SẮC HOA MẦU TÍM

Thái Nguyên, ngày 18 tháng 3 năm 2010. Tôi hay tin ông qua đời sáng nay vì bệnh tuổi già từ trên làn sóng của đài phát thanh. Cái cảm giác đầu tiên là buồn, tiếc nhớ. Quy luật ở đời này: Sinh - Lão - Bệnh - Tử đã ai tránh khỏi đâu. Âu cũng là lẽ thường tình cái gì đến phải đến. Khi bước sang tuổi 95, ông đã trở về với cát bụi.
Quãng đời dài vất vả, hay những áng văn chương "lỗi lầm" một thời chắc đến bây giờ cũng thanh thản theo ông về thế giới bên kia. Trong sự nghiệp văn chương đỉnh cao nhưng ngắn ngủi của ông, tôi vẫn thường nhắc đến chỉ một bài đó là "Mầu tím hoa sim". Tác giả thơ Hữu Loan. Giờ này thì "Mầu tím hoa sim" được in trong nhiều sách, được phổ thành nhiều nhạc lắm rồi, khác với cái thời điểm nó sinh ra đời, khi dân tộc còn oằn mình trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, thì nó lẻ loi một tiếng lòng ru yếu dũng khí của con người, nhất là người trai ra chiến trường. Nhưng chiến tranh là vậy. Người chiến thắng - Kẻ bại trận. Chiến tuyến nào đi nữa, chẳng có đau thương vì mất mát người thân... 
Tôi tìm đến với "Mầu tím hoa sim" như để đọc lại một câu chuyện tình buồn trong thời chiến. Có diễn biến tuyến tính với hai người yêu nhau, làm đám cưới vội vàng vì bom đạn chiến tranh. Khi thành vợ thành chồng, họ xa nhau vì cuộc chiến. Rồi bom đạn không cướp đi người trai khói lửa mà cướp đi tính mạng của người gái nhỏ hậu phương. Ngày đoàn tụ sau chiến tranh là nấm mộ với tàn hương lạnh và lời hát ru thật buồn "Áo anh sứt chỉ đường tà. Vợ anh mất sớm mẹ già chưa khâu".
Cùng nghe lại bài thơ "Mầu tím hoa sim" tác giả Hữu Loan, qua diễn ngâm của Tô Kiền Ngân. Bạn ấn nút PLAY để cùng nghe và tưởng nhớ thi nhân
Đêm nay khi hay tin tác giả thơ Hữu Loan qua đời, tôi tìm đọc lại bài thơ ấy, và cũng tìm được "Chuyện xưa hoa tím". Một bài thơ tôi diễn tác từ thơ của thi nhân vào năm 2001. Mời bạn cùng đọc lại thi phẩm ấy.

CHUYỆN XƯA HOA TÍM

Em nhặt cành hoa tím
Sắc mầu vẫn đi tìm
Cả tuổi thơ đọng lại
Ứa mầu máu con tim.

Những đồi tím hoa sim
Tím chiều hoang biền biệt
Nhớ anh em ngồi viết
Lại một bài thơ xưa.

***

Thời chinh chiến gió mưa
Ngày hợp hôn chưa vừa
Cả hai đành ly biệt
Gác lại chuyện ngày xưa.

Người đi không trở  lại
Vợ nhỏ nhớ thương ai
Những chiều hoang biền biệt
Nước mắt ngắn mắt dài.

Nàng chờ và chờ mãi
Người đi sao chưa lại
Mang cây súng trên vai
Nàng đi làm du kích.

Mưa bom, bão đạn địch
Nàng anh dũng hy sinh
Tấm áo ngày xưa ấy
Vá rách chứa bao tình.

Một chiều hoa còn tím
Người chồng đã tìm về
Không giữ vẹn câu thề
Một mình anh ngồi khóc.

Nấm mồ xanh cỏ mọc
Tàn hương lạnh vây quanh
Bình hoa hôm nào cưới
Nay thành chiếc bình hương.

"Mẹ già em có thương
Em nhỏ chưa đến trường
Anh trai vùng Đông Bắc
Được tin về thắp hương...

Em ơi! vẫn còn đây
Chưa hợp tan xum vầy
Mà sao đi sớm vậy
Để  giờ một mình anh".

Áo lính vá chưa lành
Vẫn còn nguyên mầu xanh
Khói hương làm bớt lạnh
Chốn cũ một mình anh.

Chia tay em thật nhanh
Anh theo bước quân hành
Mang tim mình (bóng hình em) bé nhỏ
Chiến đấu vì mầu xanh.

***

Chiều nay em xa anh
Đọc lại bài thơ cũ
Tâm trạng người thiếu phụ
Buồn theo gió mùa thu.

ST tháng 10 năm 2001.

Hữu Loan viết "Mầu tím hoa sim" bằng thơ tự do. Tôi tả lại câu chuyện ấy qua tâm sự của một thiếu phụ có chồng đi quân ngũ, nàng ở nhà nhớ chồng và tìm đọc lại bài thơ của thi nhân qua thể thơ 5 chữ phá cách.
Xin phân ưu cùng gia đình thi nhân khi "Ông ra đi thanh nhàn, nhẹ nhõm và mãn nguyện như vừa chở xong một chuyến xe đá giữa bà con xóm Giềng. Những người như ông không bao giờ coi cái chết là trút xong một món nợ đời, mà chính là bước sang một thế giới khác sinh sinh, hóa hóa vô thường. Thế hệ đời sau nhớ mãi một nhà thơ chiến sĩ, nhớ mãi thi nhân chở đá xây đời".
Tác giả Chu Hồng Đông (2010)