TÔI YÊU QUÊ TÔI ...
(Chu Hồng Đông - Với Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, thành phố Thái Nguyên)
(Chu Hồng Đông - Với Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, thành phố Thái Nguyên)
Sắp sang tháng 10, có nghĩa là một tháng nữa thôi, Thái Nguyên quê tôi bước vào ngày hội lớn. Liên Hoan trà Quốc tế Thái Nguyên, Việt Nam năm 2011. Giờ này dù nhiều công trình vẫn đang gấp rút để hoàn thành kịp với tiến độ yêu cầu của Lễ hội, nhưng bản thân thành phố thôi đã khoác lên mình một diện mạo rất mới. Sặc sỡ với những sắc hoa vàng, hoa đỏ, những biểu tượng của lá chè xanh, của festival trà quốc tế. Ngày hội lớn đã gần kề.
Chiều nay tan làm ở Sở, chẳng hiểu sao tôi lại thích đi ngắm thành phố này đến thế. Không vội vàng lo cho bữa cơm chiều của cả nhà lúc 6h30 như thường lệ, không còn nhiều lắm việc đang chờ khi ngày mới tới, tôi thong thả trôi xe trên đường phố. Phố núi trung du hết chiều đã lên đèn. Xưa tôi cứ nghĩ Thái Nguyên chắc mãi chỉ là một thành phố công nghiệp nặng thôi, với nhà máy gang thép hơn 50 năm xây dựng và phát triển, nơi vẫn mệnh danh là cái nôi của nền công nghiệp luyện kim Việt Nam. Nhưng từ năm 2007 đên nay, tôi lại được biết đến và tự hào nhắc cho bạn bè phương xa nữa đó là Thái Nguyên còn là một thành phố của du lịch. Du lịch sinh thái, du lịch về nguồn và du lịch lịch sử. Biết mấy tự hào về một tỉnh sau 180 năm thành lập (1831 – 2011), một thành phố sau 49 năm xây dựng trưởng thành (1962 – 2011). Bấy nhiêu ấy đã tạo nên một dấu ấn rất riêng của Thái Nguyên trong lòng tổ quốc Việt Nam.
Và nữa, thêm một lần cùng cả nước tôn vinh một nét văn hóa Việt đó là uống và thưởng trà, cả Thái Nguyên đang chờ đón ngày hội lớn: Liên hoan trà Quốc tế. Chắc chắn đây sẽ là một sự kiện để du lịch Thái Nguyên có thêm cơ hội để thể hiện nét riêng có của mình, sau năm du lịch Quốc gia 2007. Cùng chờ đón những ngày của lễ hội với niềm tự hào của người con quê hương Thái Nguyên, tôi mượn một bài thơ của tác giả Nguyễn Anh Thuấn “Về nơi đầu suối” để nhắc nhở mình: Hãy giữ những nét đẹp riêng có này cho mai sau.
VỀ NƠI ĐẦU SUỐI
Thái Nguyên ơi! Sao mà thương đến thế
Thái Nguyên ơi! sao mà nhiều cách trở
Đường trập trùng mây núi thủa nào xa.
Tôi bơ vơ như một kẻ không nhà
Tôi lạc bước giữa chiều đầy sương khói
Ôi! Quá nửa đời người chưa gặp suối
Chưa gặp em ở chốn thật của mình.
Phố phường xa ai chẳng biết đẹp xinh
Một tình yêu không dễ gì cưỡng nổi
Gió cứ thổi và cây thì bối rối
Mây cứ bay và suối cứ đợi chờ.
Để tôi thành một kẻ bơ vơ
Nửa tỉnh nửa quê, nửa đồng nửa núi
Để tôi khát cháy lòng bên ngọn suối
Giữa trong veo muốn hát lại đời mình.
(Tác giả: Nguyễn Anh Thuấn).
(Nhạc sỹ Đặng An Nguyên phỏng thơ Nguyễn Thuấn để viết ca khúc "Chiều quê hương". Bạn ấn nút PLAY để nghe nghệ sỹ Đức Long ca)
Dạo phố chiều nay, ngắm thành phố mình đang chuyển động, hối hả nhưng vẫn có chút gì thanh bình đến lạ và bài thơ của tác giả Nguyễn Anh Thuấn làm tôi thêm một lần xúc động. Đúng là “phố phường xa ai chẳng biết đẹp xinh. Một tình yêu không dễ gì cưỡng nổi”, không làm chủ được mình nữa trước vẻ đẹp quê hương, cứ đi lang thang mãi để tận hưởng cái thanh bình, cái đẹp của thành phố để ngỡ như mình là một “kẻ bơ vơ”, “kẻ không nhà” vì đâu cũng thấy thân thương cả. Và "giữa cái trong veo”, mộc mạc của quê hương “nửa đồng, nửa núi”, “nửa quê, nửa tỉnh”, bỗng muốn hát vang lên khúc hát của tự hào bằng một tình yêu “khát cháy”: Tôi yêu Thái Nguyên quê hương rất nhiều.
(Chu Hồng Đông - Với Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, thành phố Thái Nguyên)
Viết ngày 28 tháng 9 năm 2011 – Nhân một chiều dạo phố cùng anh Quyền trước thềm Festival Trà Quốc tế Thái Nguyên.
Tác giả: Chu Hồng Đông
Bài viết có sử dụng lại bài thơ “Về nơi đầu suối” của tác giả Nguyễn Anh Thuấn, đã được phổ nhạc thành ca khúc “Chiều quê hương”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét