Thứ Tư, 6 tháng 3, 2013

MÊNH MANG PHÙ VÂN YÊN TỬ ....

"Trăm năm tích đức tu hành
Chưa về Yên Tử, chưa thành quả tu"
Và quả thật, bao năm đi dâng lễ "chín phương trời, mười phương Phật" nhưng tận ngày 3 tháng 3 năm 2013, tôi mới có dịp về dâng hương Yên Tử. Xuất phát từ 6h tại thành phố Hạ Long, đến khoảng hơn 7h30 chúng tôi có mặt tại Chùa Trình, sắm quả lễ để bắt đầu về với đất Phật, quần thể các chùa, các am, các tu viện của Yên Tử. Sau khi dâng hương tại Chuà Trình, chúng tôi bắt đầu hành trình 9km đường nữa đến với Núi Yên Tử. Ngọn núi cao 1.068m của dãy núi Đông Triều, Thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh.
Yên Tử trở thành trung tâm của Phật giáo từ khi vua Trần Nhân Tông từ bỏ ngai vàng khoác áo cà sa tu hành và thành lập một dòng Phật giáo đặc trưng của Việt Nam, đó là dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử và trở thành vị tổ thứ nhất với pháp danh Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông (1258 - 1308). Ông đã cho xây dựng hàng trăm công trình lớn nhỏ trên núi Yên Tử để làm nơi tu hành và truyền kinh, giảng đạo. Sau khi ông qua đời, người kế tục sự nghiệp là Pháp Loa Đồng Kiên Cương (1284 - 1330), vị tổ thứ hai của dòng phái Trúc Lâm. Trong 19 năm tu hành, ông đã soạn ra bộ sách Thạch thất mi ngữ và cho xây dựng 800 ngôi chùa, am, tháp lớn nhỏ trong nước với hàng nghìn pho tượng có giá trị. Tại trung tâm truyền giáo của Pháp Loa còn có  Huyền Quang Lý Đạo Tái (1254 - 1334), vị tổ thứ ba của phái Trúc Lâm. Lần về Yên Tử này trong khoảng một ngày nên dự định của tôi chỉ là dâng hương trên các ngôi chùa chính của quần thể. Hoàn theo dòng người khắp đất nước, đoàn chúng tôi theo lối rẽ vào chân núi Yên Tử. Cách chân núi chừng 5km, đoàn đã phải gửi xe, do dòng người đổ về đây quá tải. Thế là đoàn hành hương đi bộ 5km đầu tiên để vào chân núi Yên Tử. Rồi xếp một hàng dài để nhận được vé cáp treo lên chùa Hoa Hiên.
Lẻn sau những bụi cây là hệ thống loa đài, phát những bản tụng kinh, tiếng chuông mõ và tiếng nhạc Thiền. Lối lên đỉnh núi vất vả nhưng như có một sức mạnh để nâng bước chân du khách, bước chân Phật tử bởi những tiếng nhạc Thiền khoan nhặt, thư thái kia. 
Sau khi dâng lễ tại chùa Hoa Hiên, chúng tôi tiếp tục hành hương đi bộ để đến trạm Cáp treo thứ hai dẫn lên Chùa Đồng nơi đỉnh núi. Ngày gió thổi, ngồi cabin cáp treo làm cả đoàn hơi sợ, nhưng cái háo hức được chiếm lĩnh đỉnh núi thiêng Yên Tử như tiếp thêm sức mạnh. 7 phút ngồi cáp treo, thêm một hành trình leo núi 40 phút băng qua những con đường trúc là đoàn đã đến được Chùa Đồng trên đỉnh núi.
 Đã lâu ngày không đi bộ. Thực sự đây là chuyến hành hương đáng nhớ của tôi. Thêm nữa với lượng người khổng lồ cùng đi lễ đang làm cho chuyến chinh phục kia thực sự vất vả. Đầu năm ai cũng mong xin được chút lộc từ đỉnh thiêng Yên Tử mang về cho cuộc sống thêm yên bình.
Nếu chỉ nghe qua bài hát thôi "Mênh mênh, mang mang, Phù Vân Yên Tử ..." thì có lẽ chưa cảm nhận được hết vẻ đẹp, linh thiêng nơi đây. Đỉnh Yên Tử, nơi đặt chùa Đồng cao trên 1.000m so với mặt nước biển. Chùa Đồng được tạo dựng lại và đúc bằng đồng nguyên chất vào năm 2006, tọa lạc vị trí của chùa Đồng cũ, diện tích gần 20m2. Nơi đây quanh năm mây vờn, phong cảnh tuyệt đẹp của dãy núi Yên Tử. Toàn bộ chùa đúc bằng đồng, cao 1,35m, đáy rộng 1,1m, dài 1,4m. Trọng lượng toàn bộ công trình nặng khoảng 70 tấn. Trong đó, mỗi viên ngói nặng khoảng 4kg, 4 cột chùa mỗi cột nặng 1 tấn. Quả chuông và khánh đồng nặng trên 250kg. Sau khi dâng hương và được tận tay sờ vào ngôi chùa Đồng nơi đỉnh núi, tranh thủ dừng chân nghỉ giải lao nơi đất trời giao hòa, đoàn tôi bắt đầu xuôi xuống núi. Do khách đông nên đoàn quyết định đi bộ từ chạm Cáp treo chùa Hoa Hiên xuống chân núi. Từng bậc, từng bậc đá ngay ngắn, xuyên rừng và hơn 40 phút đi bộ đường rừng chúng tôi đã hoàn thành dâng lễ tại những ngôi chùa chính trong quần thể các chùa trong núi Yên Tử. 
Một chuyến hành hương khép lại. Bao mệt nhọc trinh phục thiên nhiên và phút trải lòng tưởng nhớ đến sư tổ của phái Trúc Lâm với tôi trong một ngày xuân là như thế đó. 
Trên đường về lại Thái Nguyên với lòng thanh tịnh, trong tôi vẫn vẳng về tiếng chuông mõ và nhạc Thiền của xứ Phật và mấy câu lục bát động viên lòng người "Trăm năm tích đức tu hành. Chưa về Yên tử, chưa thành quả tu" ...
Chu Hồng Đông. Ngày 3 tháng 3 năm 2013.