Thứ Sáu, 8 tháng 7, 2011

Nhớ ...

 Nhí !         
            (Thân tặng Chu Hồng Đông)
Đã  lâu quá không gặp lại giọng thơ Đông nữa. Anh không viết cũng mấy năm rồi. Người yêu thơ chỉ còn được thưởng thức đâu đó trên các blog mạng vài bài xưa anh viết hay truyền tay nhau các file thơ theo chủ đề do anh biên tập. Các sáng tác ấy một thời tạo nên hình ảnh của anh, tạo nên phong cách của anh. Nếu cứ viết đều tay như thủa ấy chắc giờ  anh sẽ có một di sản đồ sộ về văn thơ cho riêng mình, cho một cộng đồng không nhỏ những người yêu thích văn thơ viết theo lối nhẹ nhàng, tình cảm. Tôi thì vẫn hy vọng và chờ đợi các sáng tác mới của anh nhưng lâu lắm nay mới có một bài, tựa “Nhớ” được anh viết chung với một người bạn học phổ thông tên Ngọc Thái. NHỚ. Đúng rồi người đọc nhớ tới anh, chàng thi sỹ hiền lành, chất phác, lối sống giản dị, mộc mạc đến ít ai ngờ trong cái xã hội bon chen, cạnh tranh và vốn không nhiều phẳng lặng này. Và sau nhiều năm yên lặng, chắc anh cũng “nhớ” cây viết, nhớ những diễn đàn văn học, thơ ca mà có thời anh được gọi là “hot”. 
          Thật khó để ghép những dòng tâm trạng thành một. Nếu như nó xuất phát từ những con người không cùng một suy nghĩ hay ít ra là cùng một rung cảm trước cuộc đời. Bài thơ “Nhớ” do Ngọc Thái và Hồng Đông viết đã làm được điều đó. Tôi không tìm ra cái chất keo nối hai dòng tâm trạng ấy mà chỉ thấy đó là một cá thể thơ hoàn chỉnh, hoàn chỉnh đến hoàn hảo. Dù như Đông từng tâm sự, anh viết quá vội và chưa kịp đào sâu hơn ý và tứ của bài thơ sáng tác chung ấy.
Nhớ …
Nhớ ai thao thức canh dài
Nhớ ai mà nhớ mệt nhoài con tim
Người đâu tôi mãi đi tìm
Trăm năm mòn mỏi, lặng im đợi chờ
Sao người chỉ đến trong mơ
Ngây thơ tôi mãi dại khờ nhớ mong…
 ***
Tưởng thế thôi, thế là xong
Để thôi mong nhớ chờ mong một người
Kẻ lên ngược, người về xuôi
Mang theo nỗi nhớ suốt đời vì nhau
Cúi mặt hỏi con sông sâu
Ai người chung thủy suốt đời của tôi
Ngước mặt nhìn áng mây trôi
Thương cho duyên phận chẳng đôi vuông tròn
Nhớ! nhớ nhau, nhớ nhiều hơn
Tình yêu không đến cảm ơn cuộc đời
Tôi lại đi, đi muôn nơi
Tìm cho mãi đến biển khơi lòng mình
Soi vào tôi, một bóng hình
Soi vào một cõi vô hình yêu đương
….
(Ngọc Thái - Hồng Đông 2011)
          Hai kẻ quen nhau, có tình cảm với nhau nhưng đến với nhau thật khó. Nghĩ đến nhau hoài trong cuộc sống thành ra mơ mộng. Người này đến trong giấc mơ của người kia và ngược lại.
Nhớ ai thao thức canh dài
Nhớ ai mà nhớ mệt nhoài con tim
Người đâu tôi mãi đi tìm
Trăm năm mòn mỏi, lặng im đợi chờ
Sao người chỉ đến trong mơ
Ngây thơ tôi mãi dại khờ nhớ mong…
          Mở đầu bài thơ bằng những dòng tâm sự thật nhẹ nhàng. Một người thuật lại tâm trạng của mình đó là nhớ. “Thao thức” cũng là nhớ nhưng dùng từ “thao thức”  để tả nhớ gợi thật nhiều. Trước mắt ta như hiện lên bóng một con người đợi chờ. Đợi chờ với “canh dài”, đợi chờ với nỗi “nhớ ai”.  Đúng là cô đơn thật!? Phải chăng đơn phương mong nhớ thì đúng hơn vì chỉ ba câu lục bát người ta thấy có câu hỏi. Ba câu hỏi ấy tập trung vào một con người chưa biết mặt: Nhớ ai? Người (ở) đâu? Sao chỉ đến trong mơ? …..
          Cứ tưởng thế, dành tình cảm cho một người hư ảo nhưng hóa ra đó là tình thật:
Tưởng thế thôi, thế là xong
Để thôi mong nhớ chờ mong một người
Kẻ lên ngược, người về xuôi
Mang theo nỗi nhớ suốt đời vì nhau
Cúi mặt hỏi con sông sâu
Ai người chung thủy thủy suốt đời của tôi
Ngước mặt nhìn áng mây trôi
Thương cho duyên phận chẳng đôi vuông tròn
          Người đọc và yêu thơ luôn thấy Đông khó hiểu, hay đúng hơn là khó hiểu đúng ý Đông định nói. Thơ anh viết hay dùng nhiều hư từ như một đoạn thơ trên, có bốn lần anh dùng đến nó trong một câu lục bát: Thế, Thôi, Thế, Để thôi …. Hư từ đó là những từ không có khả năng định danh,  không có khả năng độc lập làm thành phần câu, sử dụng hư từ trong thơ rất khó, vì không khéo hư từ sẽ làm hỏng tứ thơ.  Người trong cảnh ngộ NHỚ, tưởng chỉ mong chờ và hẹn gặp trong mơ, tưởng chỉ có thế thôi khi hai kẻ chia tay, không ở gần nhau nữa: “Kẻ lên ngược, người về xuôi”. Ý đối thật đẹp “Kẻ” với “Người”; “Ngược” với “Xuôi” thế có nghĩa là ngăn cách. Không còn gặp được nhau nữa, chỉ mang trong nhau những nỗi nhớ đến suốt đời vì nhau.
Cúi mặt hỏi con sông sâu
Ai người chung  thủy suốt đời của tôi
Ngước mặt nhìn áng mây trôi
Thương cho duyên phận chẳng đôi vuông tròn
Nhớ - thường là yếu tố tĩnh và thường tĩnh lặng mới làm người ta nhớ.  Đông lại tả nhớ bằng yếu tố động. Đó là chuyển động của dòng sông sâu, của áng mây trôi.  Vì sao lại gắn Sông với Nhớ? Người xưa vẫn ví: “Sông sâu vẫn ghé thăm dò. Mấy ai lấy thước để đo lòng người”. Tác giả “cúi mặt hỏi con sông sâu” cái tình cảm “chung thủy” của người cùng mình hẹn ước. Sông trôi nên không trả lời nổi. Tác giả “ngước mặt nhìn áng mây trôi” cũng không thấy đâu câu đáp lại. Vô vọng chăng? Khi đối mặt với sông rộng, trời mênh mông mà “thương cho duyên phận” của chính kiếp làm người của mình.

Nhớ! nhớ nhau, nhớ nhiều hơn
Tình yêu không đến cảm ơn cuộc đời
Tôi lại đi, đi muôn nơi
Tìm cho mãi đến biển khơi lòng mình
Soi vào tôi, một bóng hình
Soi vào một cõi vô hình yêu đương
Kiếp ấy không có tình yêu chăng? Hay là những “yêu đương vô hình” không định nghĩa nổi ngoài nỗi nhớ. Tôi thấy khó hiểu khi tác giả cảm ơn cuộc đời khi tình yêu một lần nữa không đến?  Mong là thế! Nhớ là thế! Chờ đợi là thế ! sao lại thấy vui khi tình yêu không đến. Mãi đến hai câu kết tôi mới hiểu. Vì tình yêu nhanh thay đổi quá, nếu đến rồi lại đi, chỉ làm người ta thêm đau khổ. Thà cứ như hôm nay, sống bằng nhớ và “một cõi vô hình” nào đó sẽ làm con người thanh thản hơn thật nhiều khi không giằng buộc bởi hai chữ tình yêu.
Thật lâu lắm, tôi mới thấy Đông làm thơ lại, tôi sẽ bình kỹ hơn khi hỏi tác giả thật kỹ về ý thơ anh định nói. Nhưng tự mấy dòng lục bát phá cách này đã thấy một tâm hồn đẹp đang vui vui trở lại …
Tác giả: Hoàng Giang
(Đại học Thái Nguyên)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét