Thứ Bảy, 9 tháng 7, 2011

Mùa Xuân của mẹ (Part 1)

Mùa Xuân của mẹ .... (Tết Nguyên đán 2008)
Ngày 23 Tết năm nay đến sớm hơn tôi tưởng. Tôi thoáng nghĩ trong đầu điều ấy vì vào giờ này như mọi ngày 23 tháng Chạp khác, tôi như đứa trẻ con háo hức đi chợ cùng mẹ, mua quần áo vàng mã và cá chép, rồi thổn thức chờ đến chiều tối mang cá ra sông Cầu thả phóng sinh, 23 tháng Chạp năm nay khác hẳn. Tôi đang trong chuyến đi Khảo sát xa nhà cả gần trăm cây số. Tôi đi trong cái rét lạnh căm của đất trời miền Bắc, giữa những núi đồi bạt ngàn cọ xanh của xứ trung du, đâu đây trên con đường đất tôi đi những nụ đào hé nở, mùa Xuân ơi đã thực sự về …
Chẳng hẹn bao giờ nhưng thế rồi Xuân vẫn đến, cái cảm giác bâng khuâng được thổi bùng lên khi đâu đây trong những nếp nhà sàn vọng lại lời hát của danh ca Chế Linh “ Mẹ ơi, hoa cúc hoa mai nở rồi …. Dẫu gì rồi con cũng về, chỉ bên mẹ là mùa xuân thôi” ( Trịnh Lâm Ngân).
Cả đoàn công tác khẩn trương hoàn thành công việc của mình để lên xe về thành phố. 8 giờ tối, bố mẹ vẫn đợi tôi về để cúng ông Công ông Táo, mọi thứ như mọi lần đã được mẹ chuẩn bị đầy đủ. Mâm cơm cúng Táo quân năm nay có vẻ thịnh soạn hơn rất nhiều chắc mẹ  biết năm nay gia đình có nhiều sự kiện để Táo báo cáo với Ngọc Hoàng nên chu đáo hơn cũng là lẽ tất nhiên
Tôi sinh ra và lớn lên ở một tỉnh miền núi trung du Bắc phần Việt Nam, hai quê nội ngoại đều rất xa nơi tôi đang ở và do nhiều lýí do 10 năm rồi xa cách, Tết này tôi về Lâm Đồng (một tỉnh thuộc cao nguyên Trung phần Việt Nam) đón Tân niên bên ông bà ngoại, các bác, cậu mợ và mọi người… Trong niềm xúc động ấy, tôi viết phóng sự này như để giữ lại mãi cho mình cái Hạnh Phúc mà phải mất mười năm đánh đổi. Và để tiếp nối “ Mùa xuân kỉ niệm” đã được tôi viết năm ngoái, “ Mùa xuân của mẹ” năm nay tôi viết dành riêng cho tôi, cho những người sống bên tôi …
Ngày 28 Tết, tôi rời thành phố Thái Nguyên về Lâm Đồng đón Tết.
Thái Nguyên đã khoác lên mình chiếc áo mùa Xuân trong cái rét đến ghê người mà mấy chục năm rồi mới lạnh như thế. Tôi rời xa Thái Nguyên cũng để lại trong mình một chút nhớ kì lạ, nhớ cái rét tái tê ngày cuối năm, nhớ chợ Hoa chiều tất niên, nhớ phố phường bình dị, nhớ ngôi nhà quen và Mẹ người cho tôi biết bao yêu thương và khôn lớn.
 Tôi đến sân bay Liên Khương vào 12h15 sau hơn một tiếng đồng hồ cất cánh từ Nội Bài- Hà Nội. Lâm Đồng dần hiện ra khi tôi ngước nhìn từ khung cửa sổ máy bay. Không khác xa nhiều với tưởng tưởng của tôi. Xứ lạnh của vùng đất nóng phương Nam thực sự đẹp. Cái nắng, cái gió, cái lạnh, cái trong và xanh đã đón tôi về Lâm Đồng một ngày Xuân như thế …

Ngày 30 Tết đến cũng như trên mọi miền quê khác, ai cũng đều vội vàng lo dọn nhà dọn cửa, mua sắm đồ Tết và chờ đón phút giao thừa thiêng liêng, giờ khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, thời khắc giao hoà giữa hai mùa Đông và Xuân. Bên ông bà và những người thân sau nhiều năm không gặp trong giây phút thiêng liêng như thế thật sự làm tôi xúc động.
Bên bà ngoại. Tôi thấy bà rớm nước mắt. Tôi hiểu bà đang cảm động và đang nhớ. Tôi vẫn không quên những chiều ba mươi nào Mẹ tôi cũng khóc vì nhớ bà, nhớ mọi người. Lẽ thường mâm cơm tất niên bao giờ cũng vui lắm vì đoàn tụ nhưng từ chiều 30, tôi đã thấy mẹ buồn. Mẹ nhớ ông bà, nhớ các anh chị, các em và cháu. Hôm nay, tôi cũng bắt gặp nỗi buồn nơi bà ngoại.
Cùng em Hường. Có lẽ Hường là người em mà tôi thường trao đổi và giữ liên lạc nhiều nhất. Sau nhiều năm gặp lại hình như chúng tôi có một chút bỡ ngỡ vì giản đơn chúng tôi đã trưởng thành hơn rất nhiều sau 10 năm kể từ ngày xa nhau ấy.
Khi nhà ngoại về Lâm Đồng sinh sống tôi mới vào lớp 9, còn hôm nay tôi đã là một kĩ sư và cũng đã bắt đầu đi làm. Hường cũng thế. Cả hai đã khôn lơn thật rồi.
Cậu Đức là người mẹ tôi thương nhất vì Cậu là con út trong gia đình ngoại nhưng lại chăm lo cho cả ông bà và gia đình. Bác Dư tôi xấu số đã mất cách nay 6 năm. (2002-2008). Bác là nỗi nhớ sâu nhất trong mỗi người những dịp đoàn tụ đón năm mới như này.

Một số khoảnh khắc đón Giao thừa bên ông bà …
Tết và phong tục Tết trên khắp Việt Nam là căn bản giống nhau, nhưng tuỳ từng vùng vẫn có những tập quán khác.
Miền Bắc do có một mùa đông lạnh nên thường trưng hoa Đào khi Xuân về. Theo dân gian Hoa Đào là của thần Trà Uất Luỹ dùng sua đổi tà ma và yêu quỷ vì Tết là các thần linh trong nhà thường đi vắng. Xuân miền Nam thường trưng Hoa Mai về căn bản ý í nghĩa không khác nhiều như trưng Hoa Đào ở mìên Bắc
Với một cành Đào đỏ sắc miền Bắc.
Hay một chậu Mai vàng miền Nam
Trong Tết, trước cửa nhà thường treo chữ “Phúc” được viết theo Hán ngữ với ý ý nghĩa sua đuổi những điều rủi, tránh bị hoạ trộm cắp và tai nạn trong năm tới.
 
Hay một ban thờ ông Địa và thần Tài của người dân miền Nam với ý ý nghĩa làm ăn gặp nhiều tài Lộc. Ban thờ ông Địa và thần Tài thường đặt dưới đất nơi góc cửa.
Mùng 1 Tết. Chuyến du Xuân đầu năm bao giờ cũng là đền và chùa. Về nơi đất Phật, đất Thánh trong những ngày đầu năm để cầu chúc muôn điều may mắn, vạn sự như ý ý cho 365 ngày tới của  một năm, và để rũ bỏ những gì rủi ro, đau buồn của 365 ngày của năm cũ.

Sáng mùng một Tết trời hơi mưa
Mưa Xuân qua lối hò hẹn xưa
Du Xuân tôi lên chùa làm lễ
Mong một năm bình, một năm vui …
                            ( Chu Hồng Đông)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét