HẠNH PHÚC MÙA XUÂN
“Thời gian thấm thoát thoi đưa” mới đấy mà đã qua 365 ngày của năm Kỷ Sửu, năm mới Canh Dần đã về trên quê hương đất nước. Liên tục đây là phóng sự ảnh thứ ba về chủ đề Tết nguyên đán sau: “Mùa xuân kỷ niệm” năm 2007 và “Mùa xuân của mẹ” năm 2008. Năm 2009, tôi bị tai nạn giao thông, nằm trên giường bệnh trong suốt một mùa Tết, nghe xuân rộn ràng đây đó mà chạnh lòng hối tiếc vì không được tận hưởng không khí Xuân tràn ngập yêu thương. Chính thế, xuân này tôi chọn chủ đề “Hạnh phúc mùa xuân” để diễn tả hết niềm vui đón xuân và Tết nguyên đán Canh Dần 2010…
Xuân về đầu tiên trên sắc đào đỏ thắm. Năm nay thời tiết bất thường, nắng ấm như mùa hè kéo dài tới gần áp Tết, chính thế hoa đào và các loại hoa dùng cho Tết đỏ khoe sắc trước khi mùa xuân kịp về gõ cửa. Cây đào trước sân cơ quan tôi đã nở rộ tự khi nào. Ngày cuối năm thảnh thơi công việc, đôi khi ngước nhìn những cánh hoa đào khoe sắc ngoài sân qua khung cửa sổ phòng làm việc, thấy hạnh phúc trong lòng một tý, tôi tự tủm tỉm cười thoáng nhớ tới những mùa xuân đã xa trong kỷ niệm… Mỗi mùa xuân có một niềm vui riêng, một hạnh phúc riêng đáng nhớ để chép thành kỷ niệm.
Tết nguyên đán – viết và hiểu theo nghĩa Tiếng Việt như sau: Tết là tiết, nguyên là mới, đán là buổi sớm. Tết nguyên đán nghĩa là tiết của ngày đầu năm mới. Nhân gian vào Tết thường là từ ngày 30 âm lịch đến hết mùng 3 âm lịch năm sau nhưng từ ngày 23 tháng Chạp, ngày tiễn đưa ông Táo về trời thì mọi sự chuẩn bị cho Tết được bắt đầu.
Mâm cơm cúng Táo quân vào ngày 23 tháng Chạp bao giờ cũng không thể thiếu quần áo vàng mũ và Cá Chép. Quần áo vàng mã thường được sắp thành ba bộ vì theo cổ tích gia đình vua Bếp (Táo quân) gồm có ba người: Hai ông Táo và Một bà Táo. Dân gian vẫn truyền nhau câu ca dao “Thế gian một vợ, một chồng. Không như nhà Táo, hai ông một bà”.
Bánh Chưng- Nhắc đến Tết người ta sẽ liên tưởng ngay tới “bánh chung xanh, thịt mỡ dưa hành, câu đối đỏ”. Dù ngày nay đã nhiều gia đình chọn cách mua bánh chưng làm sẵn ở ngoài Chợ hay Siêu thị, thế nhưng gói bánh chưng tại nhà bao giờ cũng làm cho mọi người háo hức. Cả nhà bắt tay làm bánh, mẹ đi chợ mua lá dong, gạo nếp, đỗ thịt,…. Cô em gái rửa lá bánh. Buổi tối cả nhà quây quần bên chiếu gói bánh. Cái hạnh phúc xum vầy thật đẹp và đáng yêu. Tới đây, tôi hiểu vì sao mà trong thời chiến nhạc sỹ Trịnh Lâm Ngân lại xót xa hối tiếc cái cảnh xum vầy ấy … “Con biết bây giờ mẹ chờ tin con. Khi thấy mai đào nở vàng bên nương … ôi nhớ xuân nào thủa trời yên vui, nghe pháo giao thừa rộn ràng nơi nơi. Bên mái tranh nghèo ngồi quanh bếp hồng. Trông bánh chưng chờ trời sáng. Đỏ hây hây những đôi má hồng…”. Cái yên bình ấy giờ đã lặp lại nơi nơi trên đất nước thân yêu này. Tôi biết vì sao Tết nào mẹ cũng chọn cách gói bánh ? nhà mà không mua ở chợ. Bên cạnh lý do an toàn thực phẩm, mẹ muốn cả nhà quây quần để tạo không khí Tết, để cho tôi và em gái biết Tết phải chuẩn bị những gì, làm gì. Nhưng dễ hiểu nhất, gói bánh làm cả nhà tưng bừng nhất, nhộn nhịp nhất. Và dấu hiệu Tết đến xuân về qua ngồi trông nồi bánh là dễ cảm nhận nhất.
Tất bật bao ngày lo dọn nhà dọn cửa rồi cũng đến chiều 30 Tết. Cái chiều tất niên thật ý nghĩa. Mọi thứ sắp khép lại cho năm cũ. Mâm cơm cuối năm để cúng tổ tiên và đón ông Táo quay lại bếp gia đình đơn giản nhưng tràn đầy hương vị Tết với bánh chưng, canh măng, thịt lơn quay, nem rán và dưa hành …
Trong cảm nhận của riêng tôi, Tết ngày nay đã đơn giản hơn rất nhiều. Mọi thứ chuẩn bị cho Tết chỉ vừa đủ và không lãng phí.
Trong Tết nhà ai cũng có một lọ hoa tươi hay một chậu cây chơi Tết. Thú chơi cây cảnh cũng tùy theo sở thích và túi tiền của mỗi gia đình tuy nhiên những loại cây trưng trong Tết vẫn phổ biến là: Ly ly, hoa Lan, đào, quất hay mai vàng … Cây quất với những trái vàng mang nhiều ý nghĩa. Chữ “Quất” được đọc lái từ chữ “Cát” của Trung Quốc, chữ ấy có nghĩa là tốt đẹp. Tùy khiếu thẩm mỹ và cách lựa chọn của mỗi người, tuy nhiên một cây cảnh đẹp trưng trong dịp Tết phải hội tụ mấy điểm: có hoa, có lá, có mầm, có quả … những thứ tượng trưng cho sức sống và luân hồi trong tiết xuân.
Năm Canh Dần – theo các quan niệm của phong thủy thì mầu nên trưng nhiều nhất trong Tết là mầu xanh. Tuy nhiên mầu chủ đạo cho mỗi dịp Tết đến xuân về vẫn là mầu đỏ: Đèn lồng, pháo xuân, lì xì, câu đối … đều rực rõ sắc đỏ tượng trưng cho may mắn.
Tiết xuân đẹp nhất với miền Bắc đó là se lạnh với lất phất mưa xuân không đủ làm ướt áo. Vài ngày trước Tết nguyên đán Canh Dần với hơn 30 độ C, đất trời oi ả như mùa hè đã làm tan biến cái tiết xuân ấy. Nhưng trời đất cũng khéo chiều lòng người, chiều 28 Tết không khí lạnh đã về và đêm giao thừa tiết xuân lý tưởng đã đến. Lất phất giọt mưa xuân, phố phường se se lạnh, đâu đó ngoài phố tiếng pháo hoa đón tân niên “bùm ….bùm …” phía trung tâm thành phố, tấp lập trai gái đi xe ngoài đường hái lộc xuân. Năm Canh Dần đã tới. Mâm cơm cúng thổ địa giao thừa bao giờ cũng đặt ngoài sân mỗi gia đình với hai món không thể thiếu là xôi và thịt gà.
Sau cúng giao thừa, cả nhà quây quần bên nhau, chúc tuổi, uống ly rượu mừng xuân … trong hạnh phúc.
Cả nhà chụp kiểu ảnh kỷ niệm đầu tiên trong thời khắc giao thừa - đón tân niên.
Mẹ âu yếm ôm con vào lòng như những ngày còn bé. Tết bây giờ không được đốt pháo tại mỗi gia đình nữa rồi. Mẹ nhắc lại kỷ niệm những giao thừa trong quá khứ khi bố đi công tác vắng nhà, hai mẹ con loay hoay đốt tràng pháo mới mà không nổ, mà cả hai mẹ con đều sợ pháo nổ. Thế là cả xóm đã vang pháo giao thừa thì cả nhà vẫn đợi bố về đốt tràng pháo đầu tiên. Đã mấy mùa xuân nhà mình đều đốt pháo giao thừa chậm như thế …
Con hạnh phúc kể lại kỷ niệm về cái Tết năm 2008 được đón xuân bên ông bà ngoại ở Lâm Đồng, hào hứng kể cho cả nhà nghe những phong tục đón Tết rất khác ở miền cao nguyên trung phần Việt Nam ấy. Cả nhà trầm lắng đôi phút… mỗi người trong lúc này chắc đều đang gợi nhớ về những mùa Tết đã qua trong kỷ niệm, khi cả bố và mẹ ngày ấy cũng như các con bây giờ quây quần bên ông bà đón giao thừa. Mùa xuân đúng là mùa của các kỷ niệm. Có cái xuân nào không đáng để nhớ đâu.
Mâm ngũ quả trên ban thờ ngày Tết bao giờ cũng được sắp đặt sặc sỡ với đủ 5 mầu tượng trưng cho ngũ hành. Có sắc xanh của chuối; sắc vàng của bưởi, dứa; sắc cam của quất, cam, đu đủ; sắc đỏ của thanh long, ớt; sắc tím của chùm nho, dâu tây và trái doi …
Đã là thông lệ, chuyến du xuân đầu tiên của năm mới bao giờ cũng là đền và chùa. Một chuyến du xuân vòng quanh thành phố, dâng hương đi lễ qua các chùa: Chùa Hồng Long tự, chùa Thịnh Đán, chùa Phủ Liễn, chùa Đồng Mỗ; các đền: Đền Cột Cờ, đền Mỏ Bạch, đền Xương Long (Xương Rồng). Cầu cho năm tới mỗi người có một điều ước, nhưng phổ biến nhất vẫn là cầu sức khỏe và an lành.
Trong ba ngày Tết, tức mùng một, mùng hai và mùng ba Tết, phong tục đẹp và đã trở thành truyền thống của dân tộc đó là giành thời gian thăm hỏi nhau sau một năm bộn bề công việc. Tục ngữ xưa có câu “Mùng 1 Tết cha, Mùng 2 tết mẹ, Mùng 3 Tết thầy” cũng phản ánh truyền thống ấy. Thế là ba ngày Tết, mỗi người đều có dịp để gặp lại người thân, họ hàng, bạn bè … để chúc Tết. Các câu chúc Tết phổ biến vẫn là:
Năm mới Vạn sự như ý, an khang thịnh vượng.
Phúc lộc thọ toàn, năm mới an khang.
Canh Dần năm mới. Thịnh vượng an khang. Phú quý giàu sang. Bạc vàng đầy tủ. Vật chất đầy nhà. Bố mẹ ông bà. Cả nhà đều khỏe. Gia đình vui vẻ. Con cháu ngoan hiền. Trẻ đẹp như tiên. Tiền vô như nước. Gấp mười năm trước. Ước chi cũng thành. Như ý thập toàn. Chúc mừng năm mới…
Đầu xuân may mắn bình an đến. Năm mới vinh hoa phú quý về. Đa lộc, đa tài, đa phú quý. Đắc thời, đắc lợi, đắc nhân tâm.
Đong cho đầy Hạnh phúc. Gói cho trọn lộc tài. Giữ cho mới an khang. Thắt cho nhiều phú quý. Cùng chúc nhau như ý. Chúc năm mới bình an. Cả nhà đều sung túc.
ấm áp yêu thương. An lành hạnh phúc. Tết đến mai vàng xuân sang hạnh phúc. Dồi dào sức khỏe, Tết đến an khang.
Năm mới 2010 phát tài phát lộc. Tiền vô xồng xộc. Tiền ra từ từ. Sức khỏe có dư. Công danh tấn tới. Tình duyên phơi phới. Hạnh phúc thăng hoa. Xin chúc cả nhà. Một năm đại thắng.
Kỷ Sửu qua đi. Canh Dần tới. Chúc cho năm mới. Phú Lộc Thọ Tài. Sức khỏe dẻo dai. Tinh thần thoải mái. Thành công gặt hái. Hạnh phúc bền lâu….
Chúc Tết tự lâu trở thành truyền thống. Với xã hội thông tin ngày nay chúc Tết qua điện thoại di động đã trở nên phổ biến. Với thế giới cell-phone và thế giới ảo trên internet, mọi người có nhiều cơ hội để thể hiện tình cảm và chúc Tết tự nhiên, ý nghĩa hơn.
“Ngày vui ngắn chẳng tày gang” thoáng đấy cũng qua 3 ngày Tết Canh Dần để lại bao lưu luyến cho mỗi người. Nhưng cái Hạnh Phúc ấy thì sẽ tiếp tục kéo dài cho đến hết 365 ngày tới của một năm. Và rồi nhân gian lại mong mùa xuân theo quy luật tuần hoàn quay về làm đẹp cho đời….
Bản quyền Bài và ảnh : Chu Hồng Đông
(Khai bút ngày 03 Tết Canh Dần)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét