Thứ Bảy, 31 tháng 12, 2011

10 KỶ NIỆM ĐÁNG NHỚ VỚI NĂM 2011

Đón năm mới 2012 cùng tôi nhìn lại 10 kỷ niệm đẹp gom nhặt được sau 365 ngày của năm 2011 đã qua.
1. Đón Xuân năm 2011 trong hạnh phúc.
Đã thành thông lệ, mỗi dịp Tết đến Xuân về tôi đều có một bài khai bút ngăn ngắn về Tết và các phong tục Tết. Hương vị Tết của năm 2011 được tôi chép lại trên bài "Kỉ niệm một mùa xuân" sau 3 bài viết về: Mùa Xuân kỷ niệm năm 2007. Mùa Xuân của mẹ năm 2008. Hạnh Phúc Mùa Xuân năm 2010. Năm 2009, tôi bị tai nạn nằm bệnh nên Xuân là một kỷ niệm buồn không viết.
2. Hai lần về Đền Trần Nam Định xuân Tân Mão.
Trong chuyến hành hương du Xuân đầu năm, tôi có dịp 2 lần về Đền Trần Nam Định một lần trong dịp đầu xuân tháng Giêng và một lần vào tháng ba, dịp cuối Xuân. Hai lần đi ấy là hai kỷ niệm không quên bao giờ.
3. Tưởng nhớ 10 năm mất Trịnh Công Sơn giữa biển nhớ mùa xuân.
Tôi mang trong mình tình yêu với nhạc Trịnh. Trong di sản âm nhạc ông để lại, có những bài tôi thích để thuộc làm lòng nhưng có những bài tôi nghe rồi chỉ "để gió cuốn đi".  Sau mười năm ông ra đi - Ngày 1/4/2001 và 1/4/2011. Ông chọn ngày Cá nước Tháng Tư như để nói rằng sự ra đi không phải là sự thật. Vả quả đúng vậy, 10 năm qua rồi ông vẫn như sống quanh đây, ôm đàn ghi ta hát những bản tình ca về cuộc sống vui vui, buồn buồn, thực thực, hư hư nhiều khi đầy hoài niệm và triết lý... Và giữa biển Quất Lâm, Nam Định một sớm mai thầm hát "Ngày mai em đi, biển nhớ tên em gọi về ..."
4. Trang cá nhân đón lượt xem thứ 3.500
Tôi viết trang này để lưu lại những kỉ niệm cho riêng mình, đồng thời cũng là một ô cửa để tôi chia sẻ về cuộc sống với những người sống bên tôi. Trong năm qua, trang cá nhân này đã đón lượt xem thứ 3.500 vào đúng ngày tất niên 31 tháng 12 năm 2011.
5. Tham dự nhiều hoạt động của Liên hoan Trà Quốc tế Thái Nguyên, Việt Nam năm 2011.
Lần đầu tiên tỉnh Thái Nguyên tổ chức Liên hoan Trà Quốc tế. Tự hào là một người con quê hương cách mạng, quê hương của đặc sản trà thơm ngon đệ nhất, tôi đã hòa mình vào nhiều hoạt động của Lễ hội như: Đi dạo phố, thưởng trà, đi chợ quê ẩm thực và xem nhiều show văn nghệ hoành tráng với âm thanh, ánh sáng rực rỡ nhiều âm hưởng và sắc mầu. 
6. Dự kỷ niệm thành lập trường cấp III Lương Ngọc Quyến và họp lớp A2K53.
Ngày 13/3/2011, sau đúng 10 năm ra trường, chúng tôi về dự Hội trường và họp lớp cấp III tại trường THPT Lương Ngọc Quyến, Thành phố Thái Nguyên.
7. Dự hội lớp Đại học lần thứ hai tại thị xã Bắc Kạn.
Ngày 22 tháng 10 năm 2011, cùng 37 thành viên của lớp từ các tỉnh: Thái Nguyên, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn chúng tôi về dự hội lớp Đại học tại thị xã Bắc Kạn. Sau 4 năm ra trường gặp lại nhau đầy xúc động và tự hào về một tập thể lớp Đoàn kết - Thân ái.
8. Về với Sầm Sơn - Thanh Hóa.
Kỳ nghỉ hè ngắn ngủi với  hành trình thăm thành Nhà Hồ, Suối Cá Thần và biển Sầm Sơn tỉnh Thanh Hóa hè năm 2011.
9. Một lần về Miền Tây.
Những ngày sắp khép lại năm dương lịch 2011, tôi có dịp đi công tác tại hai tỉnh: Kiên Giang và Cần Thơ - sau đúng đợt Đồng bằng Sông Cửu Long hứng chịu đợt lũ lịch sử trong suốt 10 năm qua.  Đây là chuyến đi xa Thái Nguyên nhất đầu tiên của tôi và thật nhiều kỷ niệm từ hành trình 5 ngày 4 đếm ấy.
10. Hóa trang thành ông già Noel đi tặng quà các cháu.
Trong những ngày cuối năm bận rộn và khẩn trương, lần đầu tiên tôi đóng một vai trò mà chưa bao giờ tôi nghĩ tới. Đó là hóa trang thành ông già Noel đi tặng quà Giáng sinh cho các bé là con cán bộ đồng nghiệp trong phòng. Hạnh phúc, Thú vị và Bất ngờ nhưng cũng đầy bỡ ngỡ do lần đầu sống trong vai trò một người khác - Người có nhiều ảnh hưởng đến trí tưởng tượng trẻ thơ.
HAPPY NEW YEAR 2012

Thứ Bảy, 24 tháng 12, 2011

NHỮNG ƯỚC MƠ BÉ NHỎ ĐÊM NOEL ...

ĐÊM NAY CHÚA GIÁNG SINH ...
Phải đến chiều muộn hôm nay tôi mới nhận được tin nhắn đầu tiên với nội dung chúc mừng Giáng sinh trên điện thoại. Có lẽ lớn tuổi rồi, người ta không còn thích những tin nhắn chúc mừng mang tính chất sáo ngữ như thế. Hiện thực đôi khi làm cuộc sống này kém thi vị đi rất nhiều ... Chẳng hạn như niềm tin vào ông già Noel trong đêm giáng sinh với những món quà được ông chuẩn bị theo sự mong ước của trẻ khi chúng viết lên thư và gửi về Bắc Cực nơi ông sinh sống... Theo nguyện vọng của trẻ, ông sẽ chuẩn bị quà theo đúng niềm hy vọng ấy, cưỡi chú Tuần Lộc trong đêm Chúa Giáng sinh, ông mang quà cho các cháu ...
Vào lứa tuổi sắp bước sang 30 này, niềm tin ấy trong tôi từ lâu đã không còn nhưng đêm nay theo Thiên chúa giáo, đúng là ngày Lễ Giáng sinh, ngày ông già Noel sẽ mở từng lá thư để đọc nguyện vọng, ước mơ của trẻ để biến nó thành sự thật. Trốn cái lạnh đại hàn của đất trời miền bắc, trốn cái ồn ào náo nhiệt của thành phố trong một đêm hội, trốn xa những âm thanh của quán nhạc hay tivi, loa đài ... tôi ngồi viết lên đây những ước mơ nho nhỏ của cá nhân về cuộc sống. Những điều bình dị quanh tôi nhưng thiết thực biết nhường nào...
Theo âm lịch, 30 ngày nữa năm Tân Mão nằm lại cùng quá khứ, 29 tuổi đời được cộng thêm một. Nhớ những kế hoạch tôi đã đặt ra khi bước sang tuổi 29 để kiểm lại đã có nhiều thứ không thành. Những thứ ấy lại trở thành mục tiêu để tôi tiếp tục theo đuổi trong năm tới....
Nhớ đến lần về Đền Trần Nam Định đầu năm nay, trước bài vị của 14 vị hoàng đế nhà Trần với những ước mơ về khoa bảng.... Nhớ đến lần về với đền Bà Chúa Kho bên tỉnh Bắc Ninh với những ước mơ về cuộc sống đủ đầy sức khỏe và hạnh phúc. Nhớ những lần về Đền Xương Rồng, Thái Nguyên cầu an bình cho cuộc sống... Nhớ đến lần về Nhà tưởng niệm Bác Hồ, Huyện Định Hóa, Thái Nguyên với những ước mơ về sự nghiệp, công danh ....
Bao nhiêu ước mơ ấy, bé nhỏ mà cũng chẳng bé nhỏ chút nào. Nhưng ở đời là vậy, sống phải biết ước mơ, có thể ước mơ mãi không thành sự thật nhưng lại thành kỷ niệm. Và sống phải có ước vọng và hoài bão để làm mục đích tiến tới tương lại.
Tạm biệt tuổi 29, cái tuổi mà theo quan điểm của nhiều người đã "chín" về nhiều mặt, và là cái tuổi đẹp nhất theo quan niệm của người Á Đông để làm những việc quan trọng của đời người ...
Tôi chọn viết bài này đúng ngày Lễ Giáng sinh năm 2011. Dù không thuộc về công giáo nhưng hy vọng một chút tổng kết về những ước mơ (cái đã thành - cái chưa thành) trong năm cũ sẽ là động lực để thúc đẩy những gì tôi mong đợi trong năm tới. Và vì Giáng sinh cũng là dịp cuối cùng trong năm để gửi những lời nguyện cầu đến những đấng vô hình như: Đức Phật, Đức Chúa, Ông Già Noel ... với niềm hy vọng mọi nguyện cầu sớm thành sự thật.
GIÁNG SINH AN LÀNH * HẠNH PHÚC

Thứ Năm, 8 tháng 12, 2011

MỘT LẦN VỀ MIỀN TÂY ... (Part 3)

KỲ III: SÔNG NƯỚC CẦN THƠ.
Chia tay với thị xã Hà Tiên để lại trong lòng bao lưu luyến và hứa hẹn những lần sau gặp lại, đoàn công tác của tôi di chuyển về thành phố Cần Thơ - một trong năm đô thị loại I trực thuộc Trung ương theo đường Quốc lộ 91 qua tỉnh An Giang.
Trên đường về Cần Thơ, dọc con đường là sông đào hay kênh đào Thoại Hà (Thoại Ngọc Hầu). Xa nhìn bên kia sông là những ngôi chùa của người Chăm ...
Xe chạy ngược lên phía Tây Bắc tỉnh An Giang đoàn chúng tôi đến cửa khẩu Tịnh Biên, giáp nước bạn Campuchia. Nằm trong tứ giác Long Xuyên, An Giang là tỉnh có dân số đông nhất đồng bằng sông Cửu Long.
Qua tấm biển này là đến đất nước bạn Campuchia.
Đi xe điện để vào khu siêu thị bán hàng miễn thuế tại cửa khẩu Việt Nam - Campuchia. Với mỗi một chứng minh thư nhân dân bạn có thể mua được hàng miễn thuế với giá trị 500 nghìn đồng.
Sầm uất khu mua bán hàng miến thuế. Gần trưa đoàn tiếp tục hành trình về với Cần Thơ. Nghỉ ăn trưa tại quán hàng Vạn Hương Mai trên Quốc lộ 91. Nhà hàng mang đặc trưng của người dân Nam bộ.
Điểm dừng chân đầu tiên khi đến thành phố Cần Thơ là cây cầu Cần Thơ lịch sử. Cầu Cần Thơ là cây cầu bắc qua sông Hậu, nối TP. Cần Thơ và tỉnh Vĩnh Long. Tại thời điểm hoàn thành (2010), đây là cây cầu dây văng có nhịp chính dài nhất tại khu vực Đông Nam Á. Cầu Cần Thơ được khởi công xây dựng ngày 25 tháng 9 năm 2004. Ban đầu, công trình được dự kiến hoàn thành vào ngày 14 tháng 12 năm 2008, tuy nhiên sau sự kiện sự cố sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ ngày 26 tháng 9 năm 2007, công trình phải dừng thi công để điều tra tai nạn. Vì vậy tiến độ hoàn thành bị chậm trễ hơn 1 năm. Cuối cùng, cầu cũng được khánh thành vào lúc 09h00 sáng ngày 24 tháng 4 năm 2010.
Đêm Cần Thơ ồn ào náo nhiệt, dạo bến Ninh Kiều và đi du thuyền ăn tối nghe đờn ca tài tử. Đúng là "Cần Thơ ai dệt nên thơ", câu ca cho thấy nét trữ tình của vùng đất này đã khiến nhiều nhà thơ, nhạc sĩ sáng tác những bài thơ, ca khúc hay về Cần Thơ được nhiều người biết tới: Chiếc áo bà ba, Chiều qua phà Hậu Giang, Đàn sáo Hậu Giang, Chiều Tây đô ... Tôi đã nhiều lần nghe "Chiếc áo bà ba" nhưng có lẽ đây là lần đầu tiên nghe hát live bằng đúng cái chất giọng của người con gái miền Tây : Về bến Ninh Kiều thấy nàng đợi người yêu ....
Bến Ninh Kiều hôm nay ... Từ bến Ninh Kiều xuôi dòng Hậu Giang đi chợ nổi Cái Răng ...
Tiếng hát Phi Nhung trong nhạc phẩm "Em về miền Tây". Bạn ấn nút PLAY để thưởng thức ca khúc trên.
Sáng cuối cùng ở Cần Thơ, cả đoàn tranh thủ thăm vườn Mỹ Khánh sau chuyến đi trải nghiệm với đường thủy nội địa trên sông Hậu bằng xuồng ghe bé nhỏ, bồng bềnh ...
Sau nửa ngày dạo chơi trong nắng, trong gió, trong cây cối miệt vườn miền Tây, đến 1h30 ngày 6/12/2011, đoàn tôi đã ra Cảng hàng không Quốc tế Cần Thơ để đáp máy bay về lại Hà Nội và Thái Nguyên. Kết thúc tốt đẹp chuyến đi công tác với mọi trải nghiệm về giao thông  từ đường hàng không, đường bộ, đường thủy, đường biển  của hai tỉnh Kiên Giang và Cần Thơ.  
Đúng 3h00, máy bay cất cánh, từ trên cao nhìn lại đồng bằng sông Cửu Long, một mầu hồng phù sa cuối mùa nước nổi, mênh mang và trở nặng thân tình của đất và người miền Tây ... Chắc chắn đây sẽ là kỷ niệm khó quên cho cá nhân tôi và cho cả đoàn công tác về miền tây những ngày hôm ấy.
(Hết. Cảm ơn bạn đã giành thời gian đọc và cùng chia sẻ với tác giả trong loạt ký sự 3 bài "Một lần về miền tây". Tác giả: Chu Hồng Đông. Viết nhân chuyến đi công tác tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long năm 2011)

MỘT LẦN VỀ MIỀN TÂY ... (Part 2)

KỲ II: YÊU DẤU HÀ TIÊN
Hai ngày ở Phú Quốc cho tôi những trải nghiệm về hệ thống giao thông đường bộ và phố thị của một huyện đảo miền Tây nam bộ, nằm sâu trong vịnh Thái Lan. Ngày thứ ba của hành trình về miền Tây là chuyến đi từ Phú Quốc sang thị xã Hà Tiên - đô thị thứ 2 của tỉnh Kiên Giang, sau thành phố Rạch Giá. Trải nghiệm của ngày thứ ba ở miền Tây là trải nghiệm của đi tàu biển cao tốc.
Tôi đã đôi lần được thả trôi với du thuyền trên vịnh Hạ Long của miền bắc và đây lần đầu tiên được ngồi trên một chuyến tàu biển cao tốc. Đoàn tôi di chuyển đến bến tàu cao tốc tại Bãi Vòng, xã Hàm Ninh, huyện Phú Quốc từ lúc 7h30 để làm thủ tục lên tàu. Gió mạnh và sóng biển đập liên hồi truyền cho tôi một cảm giác sờ sợ. Ba mươi phút đợi chờ trên bến cảng, cuối cùng tàu SuperDong của Công ty TNHH Tàu Cao tốc Kiên Giang cũng khởi hành về thị xã Hà Tiên.
 Giá vé tàu 230 nghìn đồng cho một người không quá đắt nhưng cho mỗi hành khách một trải nghiệm lạ. Con tàu lướt mạnh trên sóng nước sau hơn tiếng đồng hồ đã cập bến Hà Tiên.
Cả đoàn tranh thủ lưu lại hình lưu niệm trên bến tàu cao tốc Hà Tiên:
Được khai mở từ đầu thế kỷ XVII, Hà Tiên nổi tiếng với 10 danh lam thắng cảnh - được người xưa gọi là thập cảnh thiên phú - với những cái tên tứ âm nghe rất tuyệt (Hà Tiên thập vịnh được Tổng trấn Mạc Thiên Tích đề xướng từ năm Bính Thìn 1736). Đó là: 1- Đông Hồ Ánh Nguyệt (một hồ nước có chiều dài 3km và rộng 2km, ở ngay cửa sông Giang Thành), 2- Bình San Điệp Thúy (núi Lăng Trên núi có lăng mộ dòng họ Mạc ), 3- Thạch Động Thôn Vân (Núi Thạch Động - Động đá nuốt mây), 4- Lộc Trĩ Thôn Cư, 5- Kim Dự Lan Đào (Hòn đảo vàng chắn sóng gió), 6- Tiêu Tự Thần Chung (Hai quả đại hồng chung ngân vang ở chùa Phù Dung và chùa Tam Bảo), 7- Châu Nham Lạc Lộ (châu nham là núi như châu ngọc, lạc lộ là bãi chim cò thường đến ngủ), 8- Giang Thành Dạ Cổ, 9 - Lư Khê Ngự Bạc, 10  - Nam Phố Trừng Ba.  
Trong thập cảnh Hà Tiên yêu dấu, tôi đã ghé chân tới các điểm:
Thăm lăng Mặc Cửu:
Thăm chùa Phù Dung:
Trên đỉnh núi Bình San:
Và lắng nghe ca khúc hay nhất về ca ngợi các Thắng cảnh Hà Tiên "Anh trở lại Hà Tiên thăm em người em dịu hiền ...."
Bạn ấn nút PLAY để thưởng thức ca khúc "Yêu Dấu Hà Tiên".
Một ngày ngắn ngủi với Hà Tiên chưa nói được nhiều. Và trong 10 thắng cảnh đẹp nhất của mảnh đất Hà Tiên ấy, tôi cũng chưa qua được hết. Phải chăng ấy là duyên nợ để tôi trở về Hà Tiên trong những lần tiếp sau ...
Sáng sớm ngày 5/12/2011, tôi chia tay thị xã Hà Tiên đế tiếp tục hành trình về mảnh đất Cần Thơ - Trung tâm miền Tây đồng bằng sông Cửu Long.
(Còn tiếp. Xin xem tiếp phần cuối "Sông nước Cần Thơ" trong loạt ký sự 3 bài "Một lần về miền tây". Tác giả: Chu Hồng Đông. Viết nhân chuyến đi công tác tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long năm 2011)

Thứ Tư, 7 tháng 12, 2011

MỘT LẦN VỀ MIỀN TÂY ... (Part 1)

KỲ I: HAI NGÀY Ở HUYỆN ĐẢO PHÚ QUỐC.
Trong những ngày Thái Nguyên đón rét đầu đông 2011, tôi có một may mắn là được về phương nam "tránh rét". Nói vậy thôi nhưng đây là chuyến đi công tác xa nhà nhất đầu tiên của tôi. 5 ngày và 4 đêm xa Thái Nguyên. Nhẩm tính những chuyến đi xa Thái Nguyên của những ngày đã qua: Có chuyến đi 4 ngày bằng ô tô về Hà Tĩnh, những chuyến bay về quê ngoại ở Lâm Đồng đón Tết và hôm nay, chuyến bay về huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.
Đáp máy bay từ Nội Bài, Hà Nội, sau 1,5h bay chúng tôi đến phi trường Tân Sơn Nhất, 30 phút cho làm thu tục transit, hành trình tiếp tục bay về Phú Quốc - hòn đảo đẹp nhất Việt Nam sau hơn 30 phút bay với Air MeKong. Huyện đảo hiện dần qua khung cửa sổ máy bay với những khu rừng xanh, những khu phố nho nhỏ, những con đường chạy ngang, chạy dọc cái mầu xanh đen, cái phơn phớt hồng thật đẹp.
Điểm dừng chân đầu tiên khi rời phi trường Phú Quốc lúc 2h00 ngày 2/12/2011 là không gian Việt Xưa restaurant  trên đường Hùng Vương thị trấn Dương Đông, Phú Quốc. Trong một không gian mộc mạc với ngôi nhà cổ, sân vườn đầy hoa và nắng, tiếng nhạc du dương trầm buồn của "về phương nam lắng nghe cùng đàn, thổn thức vọng dưới trăng mơ màng" tiếng hát Phi Nhung đón đoàn tôi về với bữa cơm trưa đậm chất nam bộ với lẩu cá kèo, ốc sào ... 
Xuôi theo các trục đường Nguyễn Trung Trực - Bạch Đằng - Võ thị Sáu và Trần Hưng Đạo, chúng tôi về nghỉ tại Thiên Hải Sơn hotel and resort. Mở đầu cho những ngày tham quan, học tập tại miền Tây, đồng bằng sông Cửu Long và Vịnh Thái Lan.
Hành trình chiều ngày 2/12/2011 của đoàn là đi dọc các tuyến đường nội thị thị trấn Dương Đông như Bạch Đằng, Lý Tự Trọng  và Đường tỉnh 47. Trên hành trình đoàn dừng lại thắp hương tại chùa Hùng Long tự nằm lưng chừng núi. Dưới tán cây cổ thụ, tượng phật thích ca ngồi thiền gợi nhớ về điển tích Phật thích ca ngồi thiền dưới gốc cây Bồ Đề sau 49 ngày giác ngộ để trở thành đức Phật, không còn phụ thuộc vào luân hồi và không còn tái sinh trong kiếp khác. Sau nửa ngày đi đường, cái cảm giác nhẹ nhõm khi cả đoàn như vừa được đến với đất Phật....
Mỏm đá nhô lên hình chú Hổ ngồi phục trước cửa phía trái chùa:
Mỏm đá nhô lên hình chú Rồng uốn trầu trước cửa phía phải chùa:
Trên đường rời Hùng Long tự đoàn ghé thăm vườn tiêu nổi tiếng của Phú Quốc:
Tranh thủ mua những lọ tiêu xinh sắn về làm quà cho người nhà:
Trên đường về lại khách sạn, ghé thăm lò rượu vang sim Bẩy Gáo trên đường 30 tháng 4 thị trấn Dương Đông. Với 130 nghìn đồng bạn có đã có thể sở hữu một trai vang sim với 35 độ cồn, có tác dụng trị nhức mỏi và tăng cường sinh lực, giúp ngủ ngon giấc sau ngày dài di chuyển bằng xe ô tô ...
Ngày 3 tháng 12 năm 2011, đoàn tiếp tục khảo sát các tuyến đường tỉnh 47 và đường tỉnh 46, xuôi về phía Nam đảo Phú Quốc tại thị trấn An Thới. Sau một chặng đường 11 km trên ĐT47 và xuôi 30 km ĐT46 đoàn chúng tôi đến thị trấn An Thới lúc gần trưa.
Đoàn dừng chân ghé thăm nhà tù Phú Quốc. Đây là trại giam tù binh trung tâm toàn Việt Nam Cộng hòa, từng giam giữ hơn 32.000 tù binh (40.000 tù nhân nếu tính cả tù chính trị nhiều thời kỳ). Trong chiến tranh Việt Nam, tù binh chiến tranh tại Trại giam tù binh Phú Quốc đã phải chịu những hình phạt, tra tấn như đóng đinh vào tay, chân, đầu; đốt dây kẽm cháy đỏ đâm vào da thịt, đục răng, trùm bao bố chế nước sôi hoặc đổ lửa than, ném vào chảo nước sôi, thiêu sống, chôn sống...Trong thời gian tồn tại không đầy 6 năm (từ tháng 6/1967 đến 3/1973) trại giam tù binh Phú Quốc, có hơn 4.000 người chết, hàng chục ngàn người bị thương tật tàn phế.Trại giam Tù binh Chiến tranh Phú Quốc có tất cả là 12 khu (năm 1972) được đánh số từ khu 1 đến khu 12. Riêng khu 13, 14 được xây dựng thêm vào cuối năm 1972. Mỗi khu trại giam có khả năng chứa khoảng 3000 tù nhân. Năm 1972, có khoảng 12x 3000 = 36 000 tù nhân. Mỗi khu trại giam lại được chia làm nhiều phân khu. Thường thì có 4 phân khu, trong 1 khu. Một phân khu chứa được 950 tù binh. Riêng phân khu B2 dành riêng để giam giữ các sĩ quan. Tù binh có cấp bậc lớn nhất là Thượng tá . Trại giam Tù binh Chiến tranh Phú Quốc do 3 tiểu đoàn quân cảnh (7, 8, 12) canh giữ. 
Ghé thăm xưởng sản xuất nước mắm cá cơm Phú Quốc:
Dùng bữa trưa tại Bãi Sao. Trong không gian mở của quán Làng Tôi trong khu bãi biển Bãi Sao, đoàn dùng bữa trưa cạnh bờ biển đẹp nhất huyện đảo Phú Quốc. Ngắm sóng biển gợn lăn tăn, gió biển mặn mòi, cát trắng, bữa cơm trưa mang hương vị của biển với các món chế biến từ mực, cá thu và canh chua nam bộ ...
Rời thị trấn An Thới lúc tàn trưa nắng dịu, đoàn đi dọc các tuyến đường xã Dương Tơ qua khu Bãi Trường, qua ĐT 47, vòng về đường Hàm Ninh, đường xã Cửa Dương để lên phía Bắc đảo Phú Quốc. Các tuyến đường xã rải cấp phối gập ghềnh,  bụi đất đỏ chạy qua các làng đưa đoàn tôi qua một khu rừng nguyên sinh của của vườn Quốc gia Phú Quốc. Ngắm nhìn rừng nhiệt đới, nguyên sinh với những tán cây cổ thụ vươn dài, chen chúc nhau và khao khát đón ánh sáng đầu tiên ...
Ở xã Gành dầu đoàn ghé qua thắp hương ở đền thờ Nguyễn Trung Trực, thắp hương tưởng nhớ người anh hùng xả thân vì nước trong kháng chiến chống thực dân Pháp những năm 1861 đến 1868. Anh hùng Nguyễn Trung Trực mất ngày 27/10/1868 tại thành phố Rạch Giá, Kiên Giang.
Tiếp tục hành trình trên các tuyến đường xã Gành Dầu, đoàn ghé thăm bến Mũi Dương. Từ đây còn chừng 5km đường biển nữa là đến đất Campuchia. 
Mũi biển ồn ào, náo nhiệt với nhà hàng Gió Biển ven bờ bãi Mũi Dương - Chuồng Vích. Chiếc quán nước ngoài phục vụ ăn uống, mua bán đồ lưu niệm còn phục vụ miễn phí đàn ca tài tử. Chủ nhà hàng và nhân viên vừa kiêm làm ca sỹ và đánh đờn. 
Sau một ngày chạy vòng quanh đảo, đoàn xuôi về thị trấn Dương Đông qua các tuyến đường xã, rải cấp phối, chạy dọc bãi Dài, đường xã Cửa Cạn, đường xã Cửa Dương. Kết thúc một ngày với hành trình đường bộ quanh huyện đảo Phú Quốc.
Hai ngày ở huyện đảo Phú Quốc kết hợp đi các tuyến đường tỉnh, đường huyện và đường xã là các hành trình ghé các điểm du lịch nổi tiếng của huyện đảo.
Đêm cuối ở Phú Quốc dạo chợ đêm Dinh Cậu, tranh thủ lưu giữ những kỷ niệm của hành trình về với miền tây....

(Còn tiếp. Xin xem tiếp phần 2 "Yêu dấu Hà Tiên" trong loạt ký sự 3 bài "Một lần về miền tây". Tác giả: Chu Hồng Đông. Viết nhân chuyến đi công tác tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long năm 2011)