Thứ Tư, 7 tháng 12, 2011

MỘT LẦN VỀ MIỀN TÂY ... (Part 1)

KỲ I: HAI NGÀY Ở HUYỆN ĐẢO PHÚ QUỐC.
Trong những ngày Thái Nguyên đón rét đầu đông 2011, tôi có một may mắn là được về phương nam "tránh rét". Nói vậy thôi nhưng đây là chuyến đi công tác xa nhà nhất đầu tiên của tôi. 5 ngày và 4 đêm xa Thái Nguyên. Nhẩm tính những chuyến đi xa Thái Nguyên của những ngày đã qua: Có chuyến đi 4 ngày bằng ô tô về Hà Tĩnh, những chuyến bay về quê ngoại ở Lâm Đồng đón Tết và hôm nay, chuyến bay về huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.
Đáp máy bay từ Nội Bài, Hà Nội, sau 1,5h bay chúng tôi đến phi trường Tân Sơn Nhất, 30 phút cho làm thu tục transit, hành trình tiếp tục bay về Phú Quốc - hòn đảo đẹp nhất Việt Nam sau hơn 30 phút bay với Air MeKong. Huyện đảo hiện dần qua khung cửa sổ máy bay với những khu rừng xanh, những khu phố nho nhỏ, những con đường chạy ngang, chạy dọc cái mầu xanh đen, cái phơn phớt hồng thật đẹp.
Điểm dừng chân đầu tiên khi rời phi trường Phú Quốc lúc 2h00 ngày 2/12/2011 là không gian Việt Xưa restaurant  trên đường Hùng Vương thị trấn Dương Đông, Phú Quốc. Trong một không gian mộc mạc với ngôi nhà cổ, sân vườn đầy hoa và nắng, tiếng nhạc du dương trầm buồn của "về phương nam lắng nghe cùng đàn, thổn thức vọng dưới trăng mơ màng" tiếng hát Phi Nhung đón đoàn tôi về với bữa cơm trưa đậm chất nam bộ với lẩu cá kèo, ốc sào ... 
Xuôi theo các trục đường Nguyễn Trung Trực - Bạch Đằng - Võ thị Sáu và Trần Hưng Đạo, chúng tôi về nghỉ tại Thiên Hải Sơn hotel and resort. Mở đầu cho những ngày tham quan, học tập tại miền Tây, đồng bằng sông Cửu Long và Vịnh Thái Lan.
Hành trình chiều ngày 2/12/2011 của đoàn là đi dọc các tuyến đường nội thị thị trấn Dương Đông như Bạch Đằng, Lý Tự Trọng  và Đường tỉnh 47. Trên hành trình đoàn dừng lại thắp hương tại chùa Hùng Long tự nằm lưng chừng núi. Dưới tán cây cổ thụ, tượng phật thích ca ngồi thiền gợi nhớ về điển tích Phật thích ca ngồi thiền dưới gốc cây Bồ Đề sau 49 ngày giác ngộ để trở thành đức Phật, không còn phụ thuộc vào luân hồi và không còn tái sinh trong kiếp khác. Sau nửa ngày đi đường, cái cảm giác nhẹ nhõm khi cả đoàn như vừa được đến với đất Phật....
Mỏm đá nhô lên hình chú Hổ ngồi phục trước cửa phía trái chùa:
Mỏm đá nhô lên hình chú Rồng uốn trầu trước cửa phía phải chùa:
Trên đường rời Hùng Long tự đoàn ghé thăm vườn tiêu nổi tiếng của Phú Quốc:
Tranh thủ mua những lọ tiêu xinh sắn về làm quà cho người nhà:
Trên đường về lại khách sạn, ghé thăm lò rượu vang sim Bẩy Gáo trên đường 30 tháng 4 thị trấn Dương Đông. Với 130 nghìn đồng bạn có đã có thể sở hữu một trai vang sim với 35 độ cồn, có tác dụng trị nhức mỏi và tăng cường sinh lực, giúp ngủ ngon giấc sau ngày dài di chuyển bằng xe ô tô ...
Ngày 3 tháng 12 năm 2011, đoàn tiếp tục khảo sát các tuyến đường tỉnh 47 và đường tỉnh 46, xuôi về phía Nam đảo Phú Quốc tại thị trấn An Thới. Sau một chặng đường 11 km trên ĐT47 và xuôi 30 km ĐT46 đoàn chúng tôi đến thị trấn An Thới lúc gần trưa.
Đoàn dừng chân ghé thăm nhà tù Phú Quốc. Đây là trại giam tù binh trung tâm toàn Việt Nam Cộng hòa, từng giam giữ hơn 32.000 tù binh (40.000 tù nhân nếu tính cả tù chính trị nhiều thời kỳ). Trong chiến tranh Việt Nam, tù binh chiến tranh tại Trại giam tù binh Phú Quốc đã phải chịu những hình phạt, tra tấn như đóng đinh vào tay, chân, đầu; đốt dây kẽm cháy đỏ đâm vào da thịt, đục răng, trùm bao bố chế nước sôi hoặc đổ lửa than, ném vào chảo nước sôi, thiêu sống, chôn sống...Trong thời gian tồn tại không đầy 6 năm (từ tháng 6/1967 đến 3/1973) trại giam tù binh Phú Quốc, có hơn 4.000 người chết, hàng chục ngàn người bị thương tật tàn phế.Trại giam Tù binh Chiến tranh Phú Quốc có tất cả là 12 khu (năm 1972) được đánh số từ khu 1 đến khu 12. Riêng khu 13, 14 được xây dựng thêm vào cuối năm 1972. Mỗi khu trại giam có khả năng chứa khoảng 3000 tù nhân. Năm 1972, có khoảng 12x 3000 = 36 000 tù nhân. Mỗi khu trại giam lại được chia làm nhiều phân khu. Thường thì có 4 phân khu, trong 1 khu. Một phân khu chứa được 950 tù binh. Riêng phân khu B2 dành riêng để giam giữ các sĩ quan. Tù binh có cấp bậc lớn nhất là Thượng tá . Trại giam Tù binh Chiến tranh Phú Quốc do 3 tiểu đoàn quân cảnh (7, 8, 12) canh giữ. 
Ghé thăm xưởng sản xuất nước mắm cá cơm Phú Quốc:
Dùng bữa trưa tại Bãi Sao. Trong không gian mở của quán Làng Tôi trong khu bãi biển Bãi Sao, đoàn dùng bữa trưa cạnh bờ biển đẹp nhất huyện đảo Phú Quốc. Ngắm sóng biển gợn lăn tăn, gió biển mặn mòi, cát trắng, bữa cơm trưa mang hương vị của biển với các món chế biến từ mực, cá thu và canh chua nam bộ ...
Rời thị trấn An Thới lúc tàn trưa nắng dịu, đoàn đi dọc các tuyến đường xã Dương Tơ qua khu Bãi Trường, qua ĐT 47, vòng về đường Hàm Ninh, đường xã Cửa Dương để lên phía Bắc đảo Phú Quốc. Các tuyến đường xã rải cấp phối gập ghềnh,  bụi đất đỏ chạy qua các làng đưa đoàn tôi qua một khu rừng nguyên sinh của của vườn Quốc gia Phú Quốc. Ngắm nhìn rừng nhiệt đới, nguyên sinh với những tán cây cổ thụ vươn dài, chen chúc nhau và khao khát đón ánh sáng đầu tiên ...
Ở xã Gành dầu đoàn ghé qua thắp hương ở đền thờ Nguyễn Trung Trực, thắp hương tưởng nhớ người anh hùng xả thân vì nước trong kháng chiến chống thực dân Pháp những năm 1861 đến 1868. Anh hùng Nguyễn Trung Trực mất ngày 27/10/1868 tại thành phố Rạch Giá, Kiên Giang.
Tiếp tục hành trình trên các tuyến đường xã Gành Dầu, đoàn ghé thăm bến Mũi Dương. Từ đây còn chừng 5km đường biển nữa là đến đất Campuchia. 
Mũi biển ồn ào, náo nhiệt với nhà hàng Gió Biển ven bờ bãi Mũi Dương - Chuồng Vích. Chiếc quán nước ngoài phục vụ ăn uống, mua bán đồ lưu niệm còn phục vụ miễn phí đàn ca tài tử. Chủ nhà hàng và nhân viên vừa kiêm làm ca sỹ và đánh đờn. 
Sau một ngày chạy vòng quanh đảo, đoàn xuôi về thị trấn Dương Đông qua các tuyến đường xã, rải cấp phối, chạy dọc bãi Dài, đường xã Cửa Cạn, đường xã Cửa Dương. Kết thúc một ngày với hành trình đường bộ quanh huyện đảo Phú Quốc.
Hai ngày ở huyện đảo Phú Quốc kết hợp đi các tuyến đường tỉnh, đường huyện và đường xã là các hành trình ghé các điểm du lịch nổi tiếng của huyện đảo.
Đêm cuối ở Phú Quốc dạo chợ đêm Dinh Cậu, tranh thủ lưu giữ những kỷ niệm của hành trình về với miền tây....

(Còn tiếp. Xin xem tiếp phần 2 "Yêu dấu Hà Tiên" trong loạt ký sự 3 bài "Một lần về miền tây". Tác giả: Chu Hồng Đông. Viết nhân chuyến đi công tác tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long năm 2011)

1 nhận xét: