THƯ EM
Thư em kể quê mình đang vào hạ
Nắng trung du cháy bỏng khắp lưng đồi
Trong cơn khát em nhớ ngày xưa cũ
Sông Cầu ơi, vẫn bên lở bên bồi.
Thư em hỏi anh có còn bối rối
Mỗi buổi chiều có thèm nghe tiếng quê
Giọng người Thái không ngọt như chè Thái
Nhưng thân thương anh vẫn nhớ nhớ ghê.
Thư em kể có người hẹn anh về
Vẫn âm thầm đợi trên bến Tượng
Một mình người vẫn thường hay đi lại
Đường Đồng Quang những quán hẹn ngày xưa.
Có gì buồn những chiều Thái Nguyên mưa
Cơn mưa hạ dòng người hối hả
Nhớ quê nhà có bao giờ anh đã
Khóc như em khi nhớ tới người yêu.
Thư em kể Lưu Xá mỗi buổi chiều
Có một người ngồi chờ trên ga nhỏ
Cúi mặt buồn như những cánh hoa yêu
Bị người đời bỏ quên trên ghế đá.
Thôi nhé anh ở phương trời xứ lạ
Hãy quay về với đất mẹ thân yêu
Ta với ta bên nhau những buổi chiều
Công viên Sông Cầu tiễn hoàng hôn về phố…
Tháng 5/2004
Quê Hương .
Quê hương là gì hả mẹ
Mà sao cô giáo dậy phải yêu
Quê hương là gì hả mẹ
Ai đi xa cũng nhớ nhiều…
(Đỗ Trung Quân)
Tôi cũng có thời mang trong mình câu hỏi ấy “ Quê hương là gì hả mẹ ?” và để bao năm đi tìm câu trả lời. Quê hương tiếng gọi thiêng liêng mà “mỗi người chỉ một” thật gần gũi mà cũng thật xa vời. Quê hương có lẽ dễ cảm nhận nhất khi người ta nhớ, khi người ta xa rời nơi “đất ở”.
Khi ta ở chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi đất bỗng hoá tâm hồn
( Chế Lan Viên)
Vẫn hàng ngày đi về trên mảnh đất quê có lẽ chẳng bao giờ ta cảm được quê hương là gì, bởi giản đơn nó cũng như bao mảnh đất khác “chỉ là nơi để ở”, để mưu sinh, để sống nhưng một ngày xa vắng, ta bỗng thấy thèm, thấy nhớ một cái gì đó không phải là vật chất mà đâu đó nơi tinh thần đang yếu đuối. Đó là quê hương.
Thư em kể quê mình đang vào hạ
Nắng trung du cháy bỏng khắp lưng đồi
Trong cơn khát em nhớ ngà xưa cũ
Sông Cầu ơi vẫn bên lở bên bồi
( Chu Hồng Đông )
Quê tôi miền trung du bắc phần Việt Nam , thành phố Thái Nguyên nhiều kỉ niệm. Tôi sinh ra và lớn lên như bao người con Thái Nguyên khác trong thời đổi mới của đất nước, tôi cảm hết được sự chuyển mình của một thành phố trẻ, thành phố bên bờ sông Cầu hai bờ bồi lở…
Thư em hỏi anh có còn bối rối
Mỗi buổi chiều có thèm nghe tiếng quê
Giọng người Thái không ngọt như chè Thái
Nhưng thân thương anh vẫn nhớ nhớ ghê.
(Chu Hồng Đông )
(
Quê hương thể hiện phần nào qua tiếng nói, chất giọng đặc trưng của từng vùng miền. Người Hà Nội, Sài Gòn hay Huế đã từng tự hào về giọng nói nhẹ và ấm của mình, tôi cũng cảm được niềm tự hào ấy qua chất giọng của người Thái. Nó không ấm, không thanh nhẹ, không ngọt ngào mà chân chất đến “ thân thương”… Để những ai từng tiếp xúc, từng nghe giọng nói của người Thái Nguyên quê tôi đều để lại trong mình một niềm nhớ…
Thư em kể có người hẹn anh về
Vẫn âm thầm đợi trên Bến Tượng
Một mình người thường hay đi lại
Đường Đồng Quang những quán hẹn Ngày xưa
(Chu Hồng Đông )
(
Những tên đất, tên đường, tên địa danh, tên những quán hẹn hò… thường cũng làm bất cứ ai xa quê đều nhớ. Bến Tượng, đường Đồng Quang… những cái tên đã gắn liền với tôi, với lối tôi đi học phổ thông ngày ấy. Tất cả đều nhớ lắm. Rồi quê hương cũng gắn với mối tình đầu của tôi, cũng như nhiều người con Thái Nguyên khác sẽ chẳng bao giờ quên được. Quán nước có tên gọi “ Ngày Xưa” trên lối rẽ vào trường Lương Ngọc Quyến không nhiều điểm đặc biệt với nhiều người nhưng với tôi nó gắn với kỉ niệm mối tình đầu. Và vì thế với tôi nơi ấy mãi là “Ngày xưa” để không bao giờ quay trở lại được để gặp lại những phút ngây ngô bước vào “ vườn yêu” như thế…
Thôi nhé anh ở phương trời xứ lạ
Hãy quay về với đất mẹ thân yêu
Ta với ta bên nhau những buổi chiều
Công viên Sông Cầu tiễn hoàng hôn về phố…
(Chu Hồng Đông )
(
Công viên Sông Cầu ngày ấy đã thành vườn hoa Sông Cầu hôm nay nhưng nơi ấy vẫn in dấu nhiều kỉ niệm. Tôi nhớ những chiều thu thường ngồi dưới gốc cây gạo già ở công viên để ngắm mặt trời đỏ từ từ chuyển về phía tây mà lòng man mác. Cũng chợt nghĩ tới một ngày xa Thái Nguyên thật sự …
Thành phố thép lòng người không là thép
Nên ngậm ngùi những lúc phải chia tay…
(Chu Hồng Đông )
(
Đời người là một chuyến đi- một nhạc sĩ nhiều trải nghiệm đã có lần đánh giá. Quy luật ấy đời người có ai tránh khỏi. Xin cất vào hành trang cho mình thêm một bài thơ về quê hương Thái Nguyên, để sau này dù có đi nơi đâu ta vẫn có chút gì để nhớ…hay nói như ai từng ví
“ Chúng ta đi mang theo quê hương”.
Chu Hồng Đông 2007
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét