CON LÀ MÙA XUÂN CỦA BA MẸ !
"Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về. Mùa bình thường mùa vui nay đã về. Mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên" với con gái. Và để ghi lại niềm vui mơ ước ấy, xuân này ba lại đặt bút viết một bài ngắn cho con. Ba đã viết về xuân và tết từ năm 2007, tám năm ấy đã có: Mùa xuân của mẹ, Mùa Xuân kỷ niệm, Xuân nào con sẽ về, Lời đầu năm ba viết cho con ...và xuân này ba chọn chủ đề "Con là mùa xuân của ba mẹ".
Bốn tháng trước con đã chào đời, con gái diệu đang lớn từng ngày và bước đầu đã có nhận thức về thế giới quanh con. Mùa nào thức ấy, con đã được đón một mùa noel và tết dương lịch tràn ngập niềm vui và hạnh phúc và đến giờ là những "thức" của mùa Tết nguyên đán. Ba mẹ đã cố mang về cho con một mùa Tết đầu tiên gần gũi nhất với những vị tết cổ truyền của dân tộc. Để sau này khi con lớn, con sẽ hình dung ra ngay Tết là gì? Tết phải chuẩn bị những gì? Tết sẽ có những phong tục gì? Xã hội ngày càng phát triển nhưng những cái căn bản của phong tục Tết thì vẫn có nét gì đó giữ nguyên như ngàn đời nay con gái ạ. Sau này con khôn lớn, thế hệ của con sẽ được đón nhận nhiều công nghệ và khoa học tân tiến hơn nhưng những phong tục về Tết vẫn sẽ cơ bản diễn ra như thế này ...
Tết khởi đầu từ ngày 23 tháng Chạp, ngày đưa Táo quân chầu trời, bẩm báo những việc đã xẩy ra trong gia đình mình trong năm đã qua.
Năm đã qua, với ba có 10 kỷ niệm đáng nhớ. Những kỷ niệm ấy đều tập chung vào kỷ niệm về ngày sinh con gái. (Bạn bấm link sau để xem lại 10 kỷ nệm đáng nhớ trong năm 2013 của tác giả: http://chuhongdong.mov.mn/bvct/chi-tiet/73/10-ky-niem-dang-nho-voi-nam-2013-cua-chu-hong-dong.html). Trong những việc Táo quân trong gia đình bẩm báo với Ngọc Hoàng Thượng đế chắc chắn sẽ có 10 kỷ niệm này của ba mẹ và gia đình.
Quanh năm thờ cúng gia tiên và các thần linh, ngày 23 tháng Chạp là ngày đẹp nhất trong năm để thực hiện các công việc sang sửa ban thờ con gái ạ. Mọi thứ đồ cúng sẽ được lau chùi, tẩy uế và trang hoàng lại sao cho ấm cúng và thiêng liêng nhất con ạ. Theo quan niệm từ ngày 23 tháng Chạp Táo về trời, vắng mặt nơi hạ giới và vắng mặt trong gia đình nên mới được thực hiện các công việc: Tỉa chân hương, lau bát hương và đồ thờ cúng ... những thứ thường đặt yên vị một chỗ, không di chuyển trong suốt một năm.
Trong mâm cúng tiễn Táo quân trong ngày Tết 23 tháng Chạp, một trong những thứ không thể thiếu đó là cá Chép. Ngày nay do sông hồ đa phần ô nhiễm, nếu thả phóng sinh sợ cá không còn sống và khỏe mạnh, nhiều gia đình đã chọn mua và đốt cá giấy cho các Táo. Cá chép - Trong văn hóa Á Đông đặc biệt được coi trọng con gái ạ, với câu chuyện kinh điển về sự tích Cá chép hóa rồng hay cá chép vượt Vũ Môn. Là con vật có thật được người ta cho rằng có thể lột xác để trở thành rồng là loài vật thần thoại, tượng trưng cho đất trời. Tục ngữ xưa có những câu như: Mồng bảy cá đi ăn thề. Mồng tám cá về vượt Thác Vũ Môn hay câu Biết răng chừ cá chép hóa Rồng.... để nói về điều này con gái ạ.
Cá chép hóa rồng vì vậy biểu trưng cho sự nỗ lực, may mắn, về đích, thành công và hi vọng. Trong văn hóa Việt, cá Chép là vật đưa các Táo quân về trời. Trong phong thủy, Cá chép cũng được xem là linh vật phong thủy, có khả năng chiêu tài khí, tạo may mắn về tài lộc trong kinh doanh cho gia chủ. Hình ảnh cá Chép mang ý nghĩa “hữu dư” có nghĩa là “có”, tức giàu có: dư ăn dư để, hưng vượng về tài chính và nữa cá Chép được coi như một biểu tượng của may mắn. Vì thế con gái biết không năm nay ngoài Cá chép trong cúng Lễ ngày 23 tháng Chạp, cá Chép cũng được ba mẹ chọn làm biểu tượng để trang trí trong nhà nữa. Mong năm mới về sẽ mang lại hưng thịnh về sức khỏe và tài chính cho gia đình ...
Hình ảnh cá chép trong trang trí nhà Tết.
Như những mùa Tết xưa, mọi thứ chuẩn bị cho đón Tết đều được thực hiện từ ngày 23 đến chiều 30 tháng Chạp, chiều cuối năm. Ý nghĩa nhất có lẽ là phiên chợ chiều cuối năm. Mọi việc kinh doanh, buôn bán, sắm sửa sẽ kết thúc trong phiên chợ này. Người mua thì tìm mua cho kỳ được những món đồ cần thiết. Người bán thì mong bán hết số hàng hóa của năm cũ. Để con gái cảm nhận được phiên chợ ý nghĩa này, ba mẹ đã cho con đi chơi Chợ Tết.
"Dải mây trắng đỏ dần trên đỉnh núi,
Sương hồng lam ôm ấp nóc nhà tranh,
Trên con đường viền trắng mép đồi xanh,
Người các ấp tưng bừng ra chợ tết ..." (Đoàn Văn Cừ)
Đó là hình ảnh của một phiên Chợ Tết xưa. Vui tươi, rộn rã và "tưng bừng" sắm Tết. Mấy năm nay trong cảm nhận của riêng ba, chợ Tết đã kém ồn ào hơn xưa rất nhiều, phần vì kinh tế khó khăn, đồng lương ít ỏi chỉ dồn phục vụ cho cuộc sống, việc sắm Tết, chơi Tết vì thế trở lên thực tế rất nhiều. (Bạn bậm vào link sau để xem lại những khoảng khắc của Chợ Tết chiều cuối năm http://chuhongdong.mov.mn/bvct/chi-tiet/82/chieu-cuoi-nam.html). Bâng khuâng nhất với mỗi người có lẽ là khoảng thời gian này đây. Vì sao ư? Chợ chiều những hình ảnh tàn phiên chợ, tàn của một năm ...Xưa nay vẫn thế. Mênh mang một nỗi niềm nhất là khi kinh tế của đại bộ phận các gia đình năm đã qua không nhiều dư dả ...
"...Trên con đường đi các làng hẻo lánh ,
Những người quê lũ lượt trở ra về .
Ánh dương vàng trên cỏ kéo lê thê ,
Lá đa rụng tơi bời quanh quán chợ" (Đoàn Văn Cừ).
Tết - là để khởi đầu cho mọi sự mới. Mong đón những tin vui, tin mới, điềm lành trong 365 ngày tới. Vì thế dù "thắt lưng buộc bụng" cái Tết này với ba mẹ thì những phong tục, vật phẩm cho Tết với gia đình mình vẫn được ba mẹ cùng con gái chuẩn bị thật kỹ, tránh những thiếu xót trong ba ngày Tết.
Hoa đào ngày tết - Lần đầu con gái của ba được nhìn thấy hoa đào ngày Tết. Con gái ngơ ngác nhìn, ngơ ngác ngắm những sắc thắm của đào. Hoa đào ngày Tết theo quan niệm có quyền lực trừ ma và mọi xấu xa, màu đỏ chứa đựng sinh khí mạnh, màu đào đỏ thắm là lời cầu nguyện và chúc phúc đầu xuân, đầu năm mới. Hoa đào được nhà mình trang trí ở phòng khách và trên bàn thờ con gái ạ. Và năm nay, thêm một năm khí hậu ôn hòa, ấm áp, đào đã kịp nở đúng xuân, đúng tết. Ngắm sắc thắm của hoa đào, dù còn nhiều muộn phiền về đời sống "cơm áo, gạo tiền" nhưng lòng người đã thấy tràn ngập những niềm tin, niềm lạc quan trong năm tới.
Mùa xuân - Ba mẹ đã cố gắng rất nhiều để mang lại cả một bầu không khí xuân và tết cho con gái, vì đây là cái tết đầu tiên của con mà. Và với ba mẹ, con chính là mùa xuân đẹp nhất mà ba mẹ được hưởng trong hơn 30 năm đã qua trong cuộc đời. Mùa xuân có con bên cạnh thế thôi đã đủ ấm lòng ba mẹ rồi.
Phong tục Tết dù theo thời gian đã thay đổi ít nhiều nhưng vị tết cổ truyền thì vẫn còn nguyên đó. Để con cảm hết được vị Tết ấy, mùa tết năm nay ba mẹ tập trung trang trí và thể hiện nhà mình theo vị tết cổ với những thứ ẩm thực và trang trí đã đi vào hồn dân tộc như: "Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ. Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh".
Hình ảnh nhà mình gói bánh chưng xanh.
Và câu đối đỏ treo trong nhà để chúc mừng năm mới, chúc an khang - thịnh vượng.
Cây nêu - là một cây tre cao khoảng 5 đến 6 mét. Ở ngọn thường treo nhiều thứ (tùy theo từng địa phương) như vàng mã, bùa hay cành cây gai, có khí là bầu rượu bện bằng rơm, hình cá chép ...Người ta tin rằng những vật treo ở cây nêu, cộng thêm những tiếng động của những khánh đất, là để báo hiệu cho ma quỷ biết rằng nơi đây là nhà đã có chủ, không được tới quấy nhiễu... Vào buổi tối, người ta treo một chiếc đèn lồng ở cây nêu để tổ tiên biết đường về nhà ăn Tết với con cháu. Hình ảnh cây nêu ngày nay chỉ còn được giữ lại ở vùng nông thôn con ạ. Ở thành phố thì trước cửa nhà ba ngày Tết thường trưng đèn lồng đỏ và cờ tổ quốc.
Pháo Xuân - Vì lý do an toàn, tiết kiệm, tiếng pháo xuân nổ đì đùng đã không còn nữa con gái ạ. Pháo xuân trước đây thường là những dây pháo nổ từ đêm giao thừa cho đến hết Tết. Để con hình dung về pháo tết, năm nay ba đã chọn và trang trí nhà bằng nhiều dây pháo đỏ, hình ảnh tượng trưng cho may mắn và là một trong 6 thứ của vị tết cổ truyền với những: Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ, Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh …
Con gái yêu của ba rất hào hứng với Pháo tết. con thích ngắm, thích đưa tay với những chùm pháo đỏ. Những sắc màu rực rỡ tượng trưng cho Tết.
Trong Tết có hai ngày cúng cơm căn bản. Đó là bữa cơm cúng chiều tất niên và mâm cúng Lễ hóa vàng. Một số gia đình còn làm thêm mâm cơm cúng ngày mùng 1 Tết.
Giao thừa - Vẫn như mọi năm gồm hai lễ: Lễ cúng ngoài sân nhà và Lễ cúng trong nhà. Một trong những thứ không thể thiếu trong mâm cúng giao thừa ngoài trời là gạo - muối. Những thứ sau khi cúng sẽ được rải quanh khu vực đất của gia đình để ban cho các ma quỷ thức ăn để không đến quấy phá gia đình trong năm mới.
"Mùng Một thì ở nhà cha,
Mùng Hai nhà vợ, Mùng Ba nhà thầy"
Hay
"Mùng Một tết cha,
Mùng Hai tết mẹ, Mùng Ba tết thầy"
Du xuân và Đi lễ chùa - Đi lễ đầu năm là một phong tục đẹp, những cầu mong một năm mới an lành - hạnh phúc. Ngay sau giao thừa năm nay, ba mẹ đã có một chuyến du xuân tới chùa Đồng Mỗ và Đền Xương Rồng, thành phố Thái Nguyên. Ngày mùng ba Tết, ba đã du xuân tại Đền Trần tỉnh Nam Định.
"Ngày xuân con én đưa thoi". Chuẩn bị bao ngày cũng vội vàng qua nhanh ba ngày Tết. Ngày mùng 4 năm nay gia đình mình đã làm cơm cúng hóa vàng hết Tết. Với hy vọng mang được nhiều nhất những nét Xuân, hương vị Tết cổ truyền về nhà cho con gái đón mùa xuân đầu tiên. Ba mẹ đã rất kỳ công chuẩn bị đón Tết cùng con. Cảm ơn cuộc đời đã ban tặng con cho ba mẹ mùa xuân nay. Với ba mẹ, hơn 30 mùa xuân qua rồi nhưng nay là mùa xuân đẹp nhất, vì mùa xuân ấy ba mẹ có con. Con là mùa xuân, mùa Tết lớn nhất trong ba mẹ và gia đình.
MỘT SỐ HÌNH ẢNH ĐÓN TẾT 2014
Đi chợ hoa Tết. Gia đình mình đã chọn được cành đào xinh xinh thắp hương các cụ
Nhà vào xuân với hoa ngợp sắc hồng
Cầu chúc An khang - Thịnh vượng
Con gái 4 tháng 15 ngày. Đón mùa xuân đầu tiên trong cuộc đời
Tết - con được gặp lại bạn sinh cùng ngày với con trong Bệnh viện. Hai bạn đã ở cùng nhau 5 ngày sau sinh trong viện.
Năm ngọ - chúc nhau Mã đáo thành công
Chuẩn bị du Xuân thôi
Tết - trẻ con được diện áo mới mầu đỏ. Mầu tượng trưng cho may mắn
Tết Việt với cành đào đỏ thắm và Trống đồng thể hiện sự đoàn viên
Tết - rực rỡ những sắc vàng của huy hoàng và đỏ của may mắn
Mừng năm mới về.
Đưa con đi Lễ chùa, cầu cho năm mới an lành hạnh phúc.
Chùa Xuân đông đúc người đi hành lễ. Gia đình mình cũng hòa chung dòng người hướng tâm về cửa Phật.
Ba ngày Tết khép lại nhưng dư vị của Tết, của mùa Xuân, mùa lễ hội sẽ còn kéo dài đến hết tháng giêng năm Giáp ngọ.
Chu Hồng Đông - Khai bút ngày 4 Tết nguyên đán Giáp ngọ