Thứ Sáu, 22 tháng 7, 2011

NGẤU HỨNG VỚI NHẠC TRỊNH

PHÚT NGẤU HỨNG VỚI NHẠC TRỊNH CÔNG SƠN
                                                             (Thân gửi anh: N.H.S)

Chiều nay!

            Dù vẫn còn nhiều việc lắm, nhưng chưa "cháy nhà, chết người" nên bằng mọi giá, em phải đọc được File về Trịnh mà anh đã resend cho em. Có thể nói, đây là lần đầu tiên em biết đến di sản trên 200 bài hát của nhạc sỹ tài hoa họ Trịnh. Và đặc biệt, đó là có lời kèm theo những ca khúc và năm mà ông sáng tác. Em cũng như anh, chưa nghe hết cả gần 300 ca khúc ấy bao giờ vì có những ca khúc đến bây giờ vẫn còn gây nhiều tranh cãi trong cách hiểu về ca từ ... nên vẫn chưa được phổ biến tới người nghe trong nước.
Em đã dành thời gian đọc gần hết phần lời các ca khúc nơi trang 102 trở đi và sơ qua phần Luận nơi các trang 102 trở về trước. Thật cảm động anh à. Em như thấy trước mình một đoạn phim về quá khứ với Huế Mậu Thân qua bài "Bài ca dành cho những xác người"; rồi cảnh xơ xác bỏ xứ đi từ những năm 70-71 đến 75 với "Bên đời hiu quạnh" để những đôi yêu nhau, rồi xa nhau, rồi thấy bơ vơ khi "chiều một mình qua phố", qua những con đường cũ mà không còn thấy bóng cũ, người cũ, cảnh cũ rồi chợt nhận ra "có một dòng sông đã qua đời".
Sông và Núi những thứ tượng trưng cho một đất nước và dân tộc. (Sông núi nước Nam, vua Nam ở) ... Thế là một trong hai thứ mang tính biểu tượng ấy "qua đời". Với "Một con mắt còn lại" không nhìn được từ hai phía nữa hay buộc phải nhìn mọi thứ qua con mắt còn lại ấy liệu "còn thấy mặt người" không anh nhỉ? hay suốt kiếp này chỉ Tôn thờ một cái đẹp như "Diễm xưa" mà thôi ngay cả khi người ta "cúi thật gần" rồi vẫn nhòa đi trong trong lăng kính của một con mắt duy nhất ấy (Con mắt còn lại). Màn "đêm" buông xuống, người ở lại mơ hồ nghĩ về một hạnh phúc, hạnh phúc ấy không biết có thật không? nhưng nó cuộn trào như "đêm nằm mơ thấy ta là thác đổ".
Không ai trả lời được hoặc hoặc không dám dũng cảm trả lời. Chính thế "đêm bây giờ đêm mai", kẻ sỹ vẫn tự hồ mơ màng lại như thế. Sự thật là: "em đi bỏ lại con đường", có cố tìm cũng không thấy nữa đâu chính thế người ở lại "gần như niềm tuyệt vọng" khi cố chờ một hạnh phúc không bao giờ quay về... "Gia tài" để lại cho nhân thế hôm nay và mai sau là nước mắt. Buồn hay vui đều thể hiện bằng nước mắt cả.
"Em còn nhớ hay em đã quên" kỷ niệm ấy về một đất nước 4000 năm thoát thai thành Rồng với "Huế - Sài Gòn - Hà Nội". Quê Trịnh ở Huế vì thế ông xếp nó đầu tiên sau là Sài Gòn rồi Hà Nội. Nhưng từ khi "em đi rồi", với ông là phần hồn đã ra đi. Xác chỉ "ợ trọ" lại với đất trời này mà thôi. Ông không chạy theo phần hồn ấy vì cái gì đã lìa bỏ nhau rồi làm sao còn hòa hợp được nữa. Ông "hát cho người ở lại" bằng một chất giọng mới, chất giọng "hát ru" với: Rơi lệ ru người, Ru đời đi nhé, Ru đời đã mất, Ru em, Ru em từng ngón xuân hồng, Ru tình ... để rồi không còn ai nữa thì ta "Ru ta" trong "ngậm ngùi". Phải quên thôi. Quên một thời đã cũ, quên em, quên tình xưa. Như "Tình ca của người mất trí" vậy, vẫn hát, vẫn ca, vẫn "Nối vòng tay lớn" nhưng "Trí" thì "nghìn thu ở lại".
Nói là nói thế thôi, làm sao mà quên nổi. Những lúc "tình nhớ" lại quay về quá thênh thang với nỗi "sầu", "xót xa vừa"... Cuộc sống này là giấc mơ thôi, tình yêu cũng vậy, khi "dấu yêu tan theo" rồi ta vẫn phải sống. "Xin trả nợ người" những gì là Định mệnh của cái thủa "bống là người" để tất cả nhân sinh này bắt đầu một kiếp mới. Kiếp của thực - của hư - của vô lai - vô sinh - vô buồn - vô lo...
Thật đẹp đúng không anh Sơn? bài viết của tác giả BM, em sẽ đọc kỹ hơn vào ngày mai và những ngày sắp tới. Nhưng cảm ơn anh đã send cho em một tài liệu quý, một tác phẩm thâu tóm gần hết về thân thế, sự nghiệp của một người nghệ sỹ tài hoa thực thụ.
Thank you anh!
Sáng tác: Chu Hồng Đông
Năm 2010
Bài Viết có trích lại gần hết tên các ca khúc nổi tiếng một thời của Trịnh Công Sơn, cũng như kể lại câu chuyện tình đẹp nhưng đượm buồn của người nhạc sỹ tài hoa với ca sỹ Khánh Ly.
"Khi nào cuộc sống này thôi bế tắc, người đời sẽ thôi tìm về với nhạc Trịnh Công Sơn" - Nhạc sỹ Phạm Duy.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét