Thứ Hai, 25 tháng 2, 2013

NGUYÊN TIÊU DU NGOẠN ĐỀN HOÀNG BẨY ĐÁ THIÊN THÁI NGUYÊN

Trong chốn tâm linh huyền bí, có những điều không lý giải được. Như tâm niệm của tôi là thêm một lần thôi được đến dâng hương tại ngôi Đền Hoàng Bẩy Đá Thiên, Trại Cau, huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên chẳng hạn sẽ thấy thanh thản hơn biết nhường nào. Ngôi đền tự lâu trở lên linh thiêng với nhâ dân trong vùng và các tỉnh lân cận về xin Lộc làm ăn, sức khỏe, quan trường.
Và lựa chọn trong bao danh thắng của Thái Nguyên, Tết Nguyên tiêu, rằm tháng Giêng năm nay tôi đã chọn về với Đền Hoàng Bẩy Đá Thiên, Trại Cau, huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên. Từ lâu trong tôi hình thành thói quen đi Lễ. Ngày mùng 1 đầu tháng sẽ là đi lễ cửa Chùa về với Phật. Ngày rằm trăng sáng là đi lễ cửa Thánh ở các Đền. Và cái duyên ấy của ngày rằm đầu tiên năm nay với tôi chính là được đi lễ tại cửa thánh tại Đền Hoàng Bẩy Đá Thiên. Sau chặng đường 24km từ trung tâm thành phố Thái Nguyên, qua Đường tỉnh 269 và 2,5 km đường rừng chúng tôi đã đến được với cửa Đền. Nằm sâu trong núi, Đền Hoàng Bẩy Đá Thiên Thái Nguyên gắn với nhiều truyền thuyết lạ. Tôi gọi vậy vì trong tâm linh đã có nhiều cách hiểu khác nhau về ngôi Đền thiêng này do người dân hư cấu...
Trong chốn Tứ phủ. Quan Hoàng Bẩy là con Đức Vua Cha. Theo lệnh vua, ông giáng phàm trần, trở thành con trai thứ bảy trong danh tộc họ Nguyễn, cuối thời Lê. Vào triều Lê Cảnh Hưng, có giặc Trung Quốc từ Vân Nam tràn sang cướp bóc, đốt phá. Triều đình bèn cử ông, dọc theo sông Hồng, lên đánh đuổi quân giặc và trấn giữ vùng biên ải nơi Bảo Hà, Lào Cai. Tại đất Bảo Hà, ông thống lĩnh lục thủy, đánh đuổi quân giặc về vùng Vân Nam, sau đó ông chiêu dụ các thổ hào địa phương đón người Dao, người Thổ, người Nùng lên khẩn điền lập ấp. Sau này trong một trận chiến đấu không cân sức, Ông Bảy bị giặc bắt, chúng tra khảo hành hạ dã man, nhưng ông vẫn một lòng kiên trung, quyết không đầu hàng, cuối cùng, không làm gì được, chúng sát hại ông rồi mang thi thể vứt xuống dòng sông. Kì lạ thay, di quan của ông dọc theo sông Hồng, trôi đến phà Trái Hút, Bảo Hà, Lào Cai thì dừng lại. Còn một điều kì lạ nữa là khi ông bị giặc sát hại, thì trời bỗng chuyển gió, mây vần vũ, kết lại thành hình thần mã (ngựa), từ thi thể ông phát ra một đạo hào quang, phi lên thân ngựa, đến Bảo Hà thì dừng lại, trời bỗng quang đãng, mây ngũ sắc kết thành hình tứ linh chầu hội. Sau này khi hiển linh ông được giao quyền cho trấn giữ đất Lào Cai, ngự trong dinh Bảo Hà, đến lúc này ông nổi tiếng là một Ông Hoàng không chỉ giỏi kiếm cung mà còn rất ăn chơi, phong lưu: khi thanh nhàn ông ngả bàn đèn, uống trà mạn Long Tỉnh, ngồi chơi tổ tôm, tam cúc, xóc đĩa... lúc nào cũng có thập nhị tiên nàng hầu cận, ông cũng luôn khuyên bảo nhân dân phải ăn ở có nhân có đức, tu dưỡng bản thân để lưu phúc cho con cháu. Triều vua Minh Mạng, Thiệu Trị sắc tặng ông danh hiệu “Trấn An Hiển Liệt” và các triều vua nhà Nguyễn khác tôn ông danh hiệu: “Thần Vệ Quốc - Ông Hoàng Bảy Bảo Hà”.
Ông Bảy là Ông Hoàng hay ngự về đồng nhất, cũng bởi vì trong hàng Tứ Phủ Ông Hoàng, ông rất hay chấm lính bắt đồng (có quan niệm cho rằng, những người nào mà sát căn Ông Bảy thì thường thích uống trà tàu, hay đánh tổ tôm, xóc đĩa...). Khi ngự về đồng, ông thường mặc áo lam hoặc tím chàm (thêu rồng kết uốn thành hình chữ thọ), đầu đội khăn xếp có thắt lét lam, cài chiếc kim lệch màu ngọc thạch. Ông ngự về tấu hương, khai quang rồi cầm đôi hèo, cưỡi ngựa đi chấm đồng. Đến giá Ông Bảy về ngự, nếu ông ném cây hèo vào người nào thì coi như ông đã chấm đồng người đó. Lúc ông giá ngự, thường dâng ông ba tuần trà tàu rồi thuốc lá có tẩm thuốc phiện. Đền thờ chính của Ông Hoàng Bảy được lập tại nơi năm xưa di hài của ông lưu lại là Đền Bảo Hà, nằm ở chân đồi Cấm, bên bờ thượng lưu sông Hồng, ở bên bến phà Trái Hút, thuộc xã Bảo Hà, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai (Vì thú chơi phong lưu của ông nên nơi ông ngự còn được mệnh danh là Trái Hút Bảo Hà). Ngày tiệc chính của ông là ngày 17/7 âm lịch, vào ngày này, ở đền ông tập nập du khách thập phương đến dâng ông ngựa xám, bàn đèn, thuốc cống, kẹo xìu (kẹo lạc)... Người về lễ tại Đền Quan Hoàng Bẩy Bảo Hà thường mang theo ước nguyện về làm ăn và vận đen đỏ.
Đền Hoàng Bẩy Đá Thiên, Trại Cau, huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên là nơi thờ vọng ông. Có giả thuyết cho rằng quê gốc Quan Hoàng Bẩy, Bảo Hà là ở Thái Nguyên xưa, sau khi mất, mộ ông được di rời về đây (Chưa kiểm chứng qua Lịch sử). Có giả thuyết lại nói rằng Đền này Thờ ông Hoàng Bẩy là thủ lĩnh của vùng, có công giúp dân trong khai hoang, lập ấp, chăn nuôi .... Sau khi mất nhân dân tưởng nhớ ông lập Đền thờ ông tại Trại Cau, Đồng Hỷ, Thái Nguyên(Như vậy, không phải là Quan Hoàng Bẩy, trong tứ phủ) ... Tuy vẫn tồn tại nhiều cách hiểu khác nhau về Đền Hoàng Bẩy Đá Thiên nhưng trong tâm linh của tôi và không ít người, Đền Hoàng Bẩy Đá Thiên, Trại Cau, huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên vẫn là nơi thờ Quan Hoàng Bẩy trong tứ phủ, linh ứng từ Trại Cau, Đồng Hỷ, Thái Nguyên.
Những ai chưa có dịp dâng hương tưởng nhớ ngài từ Bảo Hà, Lào Cai vẫn có thể về đây dâng lễ. Tại Đá Thiên hôm nay, ngoài lăng mộ của ông (Tương truyền là nơi giữ hài cốt của Quan Hoàng Bẩy - Chưa kiểm chứng qua lịch sử. Hiện trạng là một lăng mộ xây trên nấm đất mối đùn thành gò) đã có thêm Lầu thờ Đức vua cha Ngọc Hoàng, Thượng đế và quan Nam Tào - Bắc Đầu; Một động sơn trang hình quả núi, trên đỉnh núi có thờ Quốc mẫu âu cơ, bên trong động thờ tam tòa chúa bói, tứ phủ thánh chầu và các cô sơn trang (Hiện đã có nhiều người dân theo tín ngưỡng đến Đền hầu thánh và mở phủ rất linh)...
Dù vẫn còn nhiều cách suy diễn khác nhau nhưng mỗi lần dân hương tại Đền đều truyền cho tôi một cảm giác thanh thản thực sự. Và mong những nguyện ước an bình, tai qua nạn khỏi trong năm Quý Tỵ này với tôi sẽ được Quan Hoàng Bẩy linh ứng, ban từ.
Thêm một lần có một chuyến hành hương ý nghĩa vào đúng ngày Rằm quan trọng nhất trong năm. Rằm tháng Giêng năm Quý Tỵ 2013.

Thứ Năm, 14 tháng 2, 2013

THƯ XUÂN CHO CON GÁI YÊU ...!

LỜI ĐẦU NĂM BA VIẾT CHO CON ....
Con gái yêu của ba mẹ!
Chiếc đồng hồ đã chỉ 22 giờ kém 15 ngày mùng 5 Tết rồi. Năm nào vào giờ này ba cũng có một bài viết nhỏ để lưu lại những khoảng khắc đẹp của những ngày Tết nguyên đán vừa trôi qua. Năm nay cũng không là ngoại lệ. Nhưng lời đầu năm ba lại viết cho con, vì con là niềm mong chờ duy nhất của ba mẹ trong năm mới Quý Tỵ 2013 này....
Con gái yêu được ba tháng trong bụng mẹ. Mỗi ngày con lớn là mỗi ngày mẹ thêm ốm, cái ốm của bà bầu còn gọi là ốm nghén. Những ngày áp Tết, để có sức khỏe cho cả mẹ và con, mẹ đã phải nằm giường và truyền thuốc đó con biết không?
Còn ba, những ngày cuối năm là những ngày bận rộn thực sự. Việc trên cơ quan, việc của nhà mình nữa. Bao nhiêu thứ cần phải giải quyết trước giờ đón Giao thừa, trước thời điểm bước sang năm mới đó con gái ạ?!
Rồi gần Tết, công việc của ba cũng tạm hòm hòm để xếp lại một bên, để cùng mẹ và con gái đón cái Tết đầu tiên với gia đình mình. Ngày làm việc cuối cùng của năm, ba đã có thể mỉm cười vì một năm tốt đẹp đã đi qua. Năm Nhâm Thìn 2012.
Năm 2012. Ba có 3 mục tiêu lớn là: Thi đỗ công chức - Được kết nạp Đảng - Cưới vợ, lập gia đình. Năm đã qua ấy, cả ba việc lớn ấy ba đã làm được rồi. Cùng một năm toàn những việc trọng đại cả. Và năm mới này mục tiêu lớn duy nhất là chào đón con ra đời đó con gái yêu ạ.
Quay lại với Tết. Năm đã qua, 2012 là một năm kinh tế khó khăn thực sự, ba rất thích câu mà Táo Kinh tế trong chương trình hài Táo quân phát trên truyền hình Việt Nam VTV là "một năm kinh tế buồn". Và vì thế cái tết này với ba mẹ thật đơn giản, cái gì cũng đơn giản nhưng đày đủ ý nghĩa theo phong tục của Việt Nam con gái ạ. Đầu tiên là Tết ông Công - ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp.
Ba mẹ đã giành một buổi chiều cuối tuần để đi chợ, chuẩn bị cho ngày cúng các Táo. Các đồ cúng tiễn Táo vẫn như mọi lần là cá chép, là quần áo vàng mã và các đồ thờ để trưng trên ban thờ....
Ngày 23 tháng Chạp đến, như bao gia đình, ba mẹ đã làm lễ cúng tiễn các Táo trong gia đình.
Sau lễ cúng tiễn, các thần linh trong nhà theo quan niệm đã về trầu trời, các thần linh vắng mặt trong gia đình trong cả tuần lễ đến ngày 1 tháng Giêng mới nhập Bếp, ba mẹ cũng đã lau dọn các đồ thờ cúng trên ban thờ, tỉa chân hương, trang hoàng lại các đồ thờ cúng để chuẩn bị đón năm mới ...
Sau ngày Tết ông Công - ông Táo, ba và mẹ đã bắt đầu chuẩn bị mua sắm các đồ choi Tết nguyên đán. Các cửa hàng, cửa hiệu sẽ đóng cửa trong 3 ngày Tết vì thế thực phẩm, đồ ăn sẵn, bánh kẹo, rượu và thức uống là những thứ được ba mẹ chuẩn bị nhiều cho Tết.
Và một thứ không thể thiếu cho Tết là bánh chưng. Dù nhà mình không có nhiều người thích ăn đồ nếp nhưng năm nào nhà mình cũng giành thời gian gói và nuộc bánh chưng. Cảnh xum vầy, gói bánh thực sự mang lại không khí Tết cho gia đình.... Năm nay sáng sớm ngày 28 (Tức 29 Tết) nhà mình mới gói bánh con gái ạ ...
Mọi thứ chuẩn bị cho Tết cứ thế diễn ra trong gần một tuần con ạ. Rồi cũng đến chiều 30 Tết. Cái buổi chiều cuối cùng của năm. Sao thời gian trôi nhanh đến lạ, nhanh đến mức mỗi tiếng đồng hồ trôi qua đều truyền cho mỗi người một cái cảm giác bâng khuâng đến lạ. Chiều 30 Tết, chen giữa "đảo hoa tươi thắm", ba mẹ đã chọn cho gia đình một cành hoa đào xinh sắn, thắp hương các cụ.
Kinh tế khó khăn, khiến chợ Hoa đào Tết rẻ đến lạ. Chưa đầy 50 nghìn ba mẹ đã chọn được một cành đào Tết khá ưng ý. Một cành hoa không quá lớn, có hoa, có nụ, có lộc, tán đều ...
Và cuối giờ chiều, như bao gia đình trên đất nước thân yêu này, ba mẹ cũng làm một mâm cơm nhỏ với đầy đủ hương vị mâm cỗ Bắc với ba bát, ba đĩa thức ăn để mang cúng Gia tiên và Thần linh, mời các cụ và thần linh về ăn Tết với con cháu ...
Thế là mọi thứ chuẩn bị cho Tết với ba, mẹ đã sẵn sàng. Nhà mình đã tràn ngập không khí Xuân và Tết Việt trong khắp gia đình ....
Đó là một cành đào đỏ thắm mang hương vị Tết Bắc....
Một nhành mai vàng mang hương vị Tết miền Nam ...
Đèn lồng đỏ và những bao lì xì mang theo thông điệp may mắn ...
Tiền lì xì đã được ba mẹ chuẩn bị thật kỹ trước Tết.
Đó là những tờ tiền có mệnh giá nhỏ, mới và được sắp trong những chiếc bao lì xì đỏ thắm. Mầu đỏ với Tết đó là tượng trưng cho sự may mắn. Người được nhận bao lì xì thường là trẻ và người cao niên con gái ạ. Với trẻ đó là lì xì (Tiếng Hoa) và người cao tuổi là tục Mừng tuổi (Chúc Thọ, Chúc Tuổi) ...
Và bữa cơm tất niên của gia đình mình cũng đến. Đó là bữa cơm cuối cùng của năm cũ. Tuy vậy, mâm cơm cũng đã đầy màu sắc của bữa cơm Tết với: Bánh chưng xanh, dưa hành, canh măng, nem rán, lạp xưởng ...
Đêm GIAO THỪA. Thực sự quan trọng với mỗi gia đình con gái ạ. Đón giao thừa là đón những thời khắc đầu tiên của ngày mới, của năm mới và tiễn năm cũ đi qua. Trong mỗi gia đình trong đêm giao thừa sẽ chuẩn bị một mâm cúng ngoài trời. Trong thời khắc này, các quan triều đình sẽ đi vi hành hạ giới. Do gấp, nên các đồ tế cúng phải được đặt ngoài sân mỗi gia đình. Thường là Tiền vàng, xôi gà và một lá sớ.
Năm Quý Tỵ, vị quan cai quản là Ngô Vương Hành Khiển. Theo Ngũ hành năm nay nạp âm sẽ là Trường Lưu Thủy (Nước sông lớn), thuộc cung Khôn, con nhà Hắc Đế. Tổng quan cho những em bé sinh trong năm nay là: Khôn khéo, hiền, thông minh (Chữ Quý biến vi Thiên)...
Ngày mùng 1 đến, ngoài thời gian giành để chúc Tết họ hàng, ba mẹ đã giành phần lớn thời gian trong ngày để đi lễ chùa cầu an trong năm mới 2013.
 Và xin chữ đầu năm ...
Chữ Hán mà ba mẹ xin được tại chùa trong năm nay là chữ PHÚC. Chữ ấy đã được ba trang trọng trưng trong phòng thờ của gia đình. Hy vọng với sự ra đời của con trong năm mới thực sự là niềm vui của ba mẹ và họ hàng. Con biết không? Theo truyền thống Việt, Tết đến ngoài trưng hoa đào để trừ tà, thì việc dán chữ PHÚC trước cửa nhà là để thể hiện sự bình an, tránh tai họa (Như một lá bùa) .... Chữ ấy tượng trưng cho sự bình an. Một năm mới thực sự bình an với cả nhà mình con ạ ! Theo quan niệm dân gian, Chữ "Phúc" là từ Hán Việt, người miền Nam đọc là "phước". Chữ "Phúc" trong giáp cốt văn là hình tượng hai bàn tay bưng hũ rượu đứng trước bàn thờ. Như vậy, chữ "Phúc" vốn được xem là điều tốt lành do cầu cúng mà có được. Theo đó, "Phúc" có nghĩa là "thuận lợi", "đồng thuận". Thuận có nghĩa là từ dưới lên trên, từ trong ra ngoài đều thông suốt, không có gì trở ngại. Trên thuận trời đất, dưới thuận vua tôi, dưới nữa thuận cha mẹ, con cái. Đời sống tinh thần bên trong và đời sống vật chất bên ngoài đều thuận lợi không có gì trắc trở, như vậy gọi là thuận, là Phúc.
Điều bất ngờ nhất với ba Tết này là ngày mùng 1 này nhà mình có ba chú Kỳ Lân xinh xinh đến xông nhà. Lân là một giống thú linh trong hàng Tứ Linh (Long, Lân, Quy, Phụng). Lân là con cái, còn con đực gọi là Kỳ, gọi chung là Kỳ Lân. Kỳ Lân thuộc loài nai, hình dáng giống như con hưu, mình vằn, đuôi giống như đuôi trâu, vú giống như vú ngựa, có một sừng trên đầu, tính rất hiền lành, không ăn thịt con vật khác, chỉ ăn cỏ, nên gọi nó là Nhân thú (con thú có lòng nhân từ). Mỗi khi nơi nào có Kỳ Lân xuất hiện thì có Thánh nhân ra đời cứu giúp dân chúng. Do đó, Kỳ Lân báo hiệu điềm lành, sắp có thái bình thịnh vượng. Và đó là niềm mơ ước của ba mẹ trong năm mới Quý Tỵ này con gái ạ. 
Và con biết không? Tuy con mới bé tý teo nhưng Tết này con đã được nhận quà tết rồi đấy. Con được tặng một đôi dày rất xinh và cả tiền lì xì nữa. Những thứ này ba mẹ sẽ cất và chờ đến ngày con chào đời nhé.
Tết cổ truyền hay Tết Nguyên đán thường vẫn kéo dài trong ba ngày con ạ. Ngày mùng ba Tết, gia đình làm lễ hóa vàng hết Tết. Một năm mới đã thực sự đến ...
Cầu chúc An khang - Thịnh Vượng đến với muôn nhà và gia đình mình. Ba mẹ luôn mong ngày con gái yêu chào đời. Và con gái thực sự là mục tiêu phấn đấu duy nhất của ba mẹ trong năm mới Quý Tỵ 2013 này ....
Cùng ba mẹ lưu lại những khoảng khắc đẹp mùa Xuân đầu tiên này con gái nhé. Một mùa xuân, mùa Tết đơn giản, gọn nhẹ nhưng đầy đủ ý nghĩa của Xuân, của Tết Việt con ạ.
Long lanh ánh xuân hồng trong phòng khách nhà mình.
Thắm đỏ những mầu sắc tượng trưng cho may mắn.
Khai bút năm nay với ba là một bài viết ngắn cho con gái. Ba mẹ sẽ theo con trong mỗi bước con trưởng thành. Và mùa xuân đầu tiên của ba mẹ có con ở bên là như thế đó. Một mùa xuân an bình, với niềm mơ ước ngày con cất tiếng khóc chào đời ....
 CHĐ (Xuân Quý Tỵ)