Ngày Chủ nhật 23 tháng 12 năm 2012. Sau buổi sáng đi học tại Trường Chính trị tỉnh và một thời gian dài tạm xa thú đi chùa vãn cảnh cầu bình an và thả hồn vào cõi Thiền, sau bữa trưa hai vợ chồng cùng ngao du về một mái chùa thiêng bên huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên: Chùa Hang...
Chùa Hang - Theo sách Đại Nam nhất thống chí, núi Chùa Hang gọi là núi đá Hóa Trung hay núi Long Tuyền "ở cách huyện Động Hỷ (Đồng Hỷ) 20 dặm về phía tây (Thế kỷ XIX huyện lỵ Đồng Hỷ đặt ở xã Huống Thượng, huyện Đồng Hỷ ngày nay) trên núi có động, trong động có cột đá, phía trước phía sau đều có cửa, người ta nhân đó lấy động làm chùa". Động Chùa Hang còn gọi là động Tiên Lữ, là một hang lớn nằm trong lòng núi đá, xưa nay được coi là danh thắng nổi tiếng của Thái Nguyên. Trong lòng hang có những nhũ đá lớn đẹp được nhân gian ví như cột trụ chống trời, bụt mọc, hổ chầu, voi phục. Cảnh đẹp như bức tranh sơn thủy của động làm say đắm nhiều tao nhân mặc khách. Từ thời xưa, đã có các danh sĩ đến Chùa Hang, trước cảnh đẹp cảm tác nên những vần thơ bất hủ để lại cho muôn đời sau.
Ngay vách của hang hiện còn đôi câu đối chữ Hán:
Phong cảnh thiên nhiên duy đệ nhất
Danh lam nhân tạo thị vô song
( Tạm dịch: Phong cảnh thiên nhiên đẹp vào bậc nhất, danh lam do con người tạo ra cũng không kém)
Hai bên cửa hang có đôi liễn:
Phong cảnh quang thiên địa
Cương thường tại cổ kim
(Tạm dịch: Cảnh sắc sáng một vùng trời đất (cũng như) cương thường đạo lý vẫn sáng cả xưa nay).
Vào năm 1859 thời Vua Tự Đức nhà Nguyễn, danh sĩ Cao Bá Quát qua đất Thái Nguyên có du ngoạn đến Chùa Hang, trước cảnh đẹp nơi đây ông đã viết bài thơ nổi tiếng: Du Tiên Lữ động. Là cảnh đẹp hiếm có của đất Thái Nguyên, động Chùa Hang được xếp hạng danh thắng cấp Quốc gia năm 1999....
Sau hai tiếng vãn cảnh chùa với núi non đầy thơ mộng, hai vợ chồng trở về nhà mang theo bao khoan khoái, bình an ... Nhớ phút ghi hình bên chân núi, có anh phó nháy tranh thủ chớp hình của hai vợ chồng dưới khe núi bống thấy hiện về mấy cấu trong "Núi đôi" của Vũ Cao ...
Bảy năm về trước, em mười bảy
Anh mới đôi mươi, trẻ nhất làng.Xuân Dục, Đoài Đông hai cánh lúa
Bữa thì em tới, bữa anh sang
Lối ta đi giữa hai sườn núi
Đôi ngọn nên làng gọi núi Đôi
Em vẫn đùa anh: sao khéo thế
Núi chồng núi vợ đứng song đôi! ...
CHĐ năm 2012