"Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn
Ai trong thế hệ của tôi đều chẳng một lần ngân nga ca khúc ấy "Nỗi buồn hoa phượng" sáng tác nhạc sỹ Thanh Sơn. Và tự khi ra đời năm 1963 đến nay, "Nỗi buồn hoa phượng" đã trở thành ca khúc làm lòng của bao thế hệ học sinh, dù thời cuộc đã bao lần xoay vần, thay đổi. Và như một sự lựa chọn của lịch sử hay sắp đặt của tạo hóa, những ngày đầu mùa hè tháng tư năm 2012, nhạc sỹ của bài tình ca bất hủ "Nỗi buồn hoa phượng" và những ca khúc trữ tình về mùa hè, về học sinh ... ấy qua đời vì tuổi già, sức yếu và vì căn bệnh tai biến đã hơn một năm qua. Tôi chọn viết một đoạn nhỏ chia tay ông, khi chiều nay, chiều muộn ngày 4 tháng 4 năm 2012 hay tin ông qua đời tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định, thành phố Hồ Chí Minh.
Hè rồi. Thái Nguyên rộ lên nhiều quán nước, quán bia cỏ vỉa hè mà mọi người vẫn hay gọi sang là "văn hóa phố" hay "văn hóa vỉa hè". Và ăn theo dịch vụ ấy là nghề hát dạo. Một thanh niên ôm đàn ghi ta hát, khách qua đường hay người ngồi uống nước, uống bia cỏ nghe vào lòng thường thưởng cho gánh hát vài nghìn tiền lẻ. Chuyện ấy bình thường nhưng lại bất thường với tôi hôm nay. Mệt mỏi với nắng mới mùa hè, mệt mỏi với cái men gan cao đột biến mà tôi đã điều trị thuốc tây lẫn ta cả hơn tháng nay mới có dấu hiệu thuyên giảm. Bác sỹ khuyến cáo không rượu, không bia, không nước ngọt có ga nhưng chịu hoài sao nổi. Mấy anh bạn thân rủ ra phố ngói làm trầu bia cỏ. Thế là nhận lời đi. Quán. Đúng là quán. Ở đây nếu mình ngồi im không nói thì cũng dung nạp được vào đầu nhiều chuyện phiếm. Từ chuyện chính trị, chuyện thâm cung, chuyện lòng, chuyện xã hội ... ôi thì gì cũng có cả. Một chút men là cởi lòng, người nhân cơ hội có men thì nói thật, kẻ thì "chém gió" chẳng chết ai? Rượu với bia rồi mà, ai còn chấp hay để ý làm gì. Trong tôi lúc này men đã bắt đầu có dấu hiệu đủ, vì hình như khả năng uống bia của tôi kém hơn rượu, thì khi ấy gánh hát từ xa tới. Vô tình hay hữu tình, người ca sỹ hát dạo kia lại đang rung lên những câu hát trong "Nỗi buồn hoa phượng" của người nhạc sỹ tài hoa vừa nằm xuống. Sự bình dị trong ca từ của ca khúc đã làm cho nó đến gần với người nghe hơn, dù trong một rạp hát lớn hay đơn giản như tôi đang ngồi trong quán cóc thì "Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn ..." cũng truyền cho người nghe cái cảm giác nhớ thời áo trắng, nhớ trường, nhớ "bạn lòng", nhớ buổi "hẹn nhau lúc đầu" mà dệt thành kỷ niệm để nhớ mãi trong cuộc đời.
Lâng lâng với men say trong tiếng lòng chia tay nhạc sỹ, bài hát ùa về trong tôi bao kỷ niệm, và dù không đang ngồi ở một chốn sang trọng, dù không được trình bầy bởi những ca sỹ nổi tiếng, không có ánh sáng rực rỡ của đèn sân khấu nhưng "Nỗi buồn hoa phượng" qua tiếng đàn và giọng hát dạo kia vẫn đang tỏa sáng một góc nhỏ phố núi như thành phố Thái Nguyên, gây xúc động và rung cảm cho nhiều người, trong ấy có tôi. Sự bình dân làm ca khúc không bao giờ "chết" được mà ngược lại. Càng ngẫm về ca từ, cách gieo vần, đặt nhạc của nhạc sỹ càng thấy nó hay như một bài dân ca vậy. Cảm ơn nhạc sỹ đã giúp tôi và bao người ghi lại "lưu bút ngày xanh" bằng một ca khúc về những ngày hè, xa trường, nhớ thầy, nhớ bạn, nhớ người thương khi vô tình bắt gặp "sắc thắm như máu con tim" của chùm phượng vỹ nở, mỗi khi thấy hè về.
Xin vĩnh biệt nhạc sỹ tài hoa của nền tân nhạc Việt. Thanh Sơn - "Người xưa biết đâu mà tìm" ...
Chu Hồng Đông
Thái Nguyên, ngày 4 tháng 4 năm 2012.
Lâng lâng với men say trong tiếng lòng chia tay nhạc sỹ, bài hát ùa về trong tôi bao kỷ niệm, và dù không đang ngồi ở một chốn sang trọng, dù không được trình bầy bởi những ca sỹ nổi tiếng, không có ánh sáng rực rỡ của đèn sân khấu nhưng "Nỗi buồn hoa phượng" qua tiếng đàn và giọng hát dạo kia vẫn đang tỏa sáng một góc nhỏ phố núi như thành phố Thái Nguyên, gây xúc động và rung cảm cho nhiều người, trong ấy có tôi. Sự bình dân làm ca khúc không bao giờ "chết" được mà ngược lại. Càng ngẫm về ca từ, cách gieo vần, đặt nhạc của nhạc sỹ càng thấy nó hay như một bài dân ca vậy. Cảm ơn nhạc sỹ đã giúp tôi và bao người ghi lại "lưu bút ngày xanh" bằng một ca khúc về những ngày hè, xa trường, nhớ thầy, nhớ bạn, nhớ người thương khi vô tình bắt gặp "sắc thắm như máu con tim" của chùm phượng vỹ nở, mỗi khi thấy hè về.
Xin vĩnh biệt nhạc sỹ tài hoa của nền tân nhạc Việt. Thanh Sơn - "Người xưa biết đâu mà tìm" ...
Chu Hồng Đông
Thái Nguyên, ngày 4 tháng 4 năm 2012.