Thứ Sáu, 23 tháng 3, 2012

CHÉN TRÀ ẤM VÀ GIÓ LẠNH CUỐI MÙA ...

Hôm nay là ngày ba tháng ba âm lịch Nhâm Thìn. Thế là đến tháng cuối xuân rồi. Tháng ba. Miền Bắc đang hưởng cái đợt lạnh cuối cùng mà dân gian vẫn gọi là rét nàng Bân. Cái rét mà tạo hóa hay Ngọc Hoàng thượng đế ban cho cô con gái vụng về mang tên nàng Bân, để nàng có được cơ hội thể hiện tình cảm của mình với chồng bằng chiếc áo do chính tay nàng đan bằng tình thương, bằng thời gian và bằng sự cần mẫn. Đó chỉ là câu chuyện sự tích thôi và năm nào đất trời miền Bắc cuối xuân cũng vậy. Thoáng nồm ẩm, hửng nắng vài ngày rồi đùng cái lại rét ... cái rét cuối mùa. Tôi đón đợt lạnh cuối mùa rét năm nay vào đúng dịp Tiết (tết) Thanh minh. Xưa Nguyễn Du trong Kiều có những câu thơ thật đẹp ghi lại khoảng thời gian ấy.
Ngày xuân con én đưa thoi
Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi
Cỏ non xanh tận chân trời
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa
Thanh minh trong tiết tháng ba
Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh
Có nhiều cách tổ chức đón tiết thanh minh. Ở một vài vùng trên đất nước dải hình chữ S này người ta thường làm lễ tảo mộ. Mỗi năm một lần, đây là dịp để tu sửa các mộ phần thân nhân và thắp hương tưởng nhớ gia tiên.
Hội Đạp thanh như Nguyễn Du nhắc tới trong thơ Kiều thì ngày này không còn nữa. Đó là dịp để trai thanh nữ tú đi du xuân. Ngày nay công việc bận bịu, dịp du xuân thường được tổ chức ngay cùng tết Nguyên đán, dù ý nghĩa ban đầu của Hội đạp thanh (dẫm lên cỏ) là du xuân khi trời đất bắt đầu ấm lên, theo lịch tiết khí thì đó là khi kết thúc tiết xuân phân.
Với hầu hết các gia đình Việt Nam, dịp này thường làm hai món bánh trôi và bánh chay để thắp hương theo quan niệm về Tết hàn thực của Trung Hoa, dù ở Việt Nam không mang ý nghĩa là để tưởng nhớ hiền sĩ Giới Tử Thôi đời Xuân Thu như theo điển tích trong giã sử Trung Quốc, và cũng không kiêng đốt lửa trong ngày này mà chỉ làm đồ ăn lạnh và đồ chay để mang cúng Phật, cúng gia tiên, thể hiện lòng thành, biết ơn của con cháu với đức Phật và các bậc tiên tổ.
 
Ngày nay thật dễ dàng để mua những bát bánh trôi, bánh chay làm sẵn ở chợ nhưng mẹ tôi vẫn chọn say bột và làm bánh ở nhà, tạo một không khí rất vui, háo hức như việc gói bánh chưng những ngày tết vậy ...
Còn tôi, đêm nay đón tiết Thanh minh bằng một ấm trà xanh và gió lạnh cuối mùa. Lâu rồi không ngồi thư giãn, pha trà Tân Cương và thưởng thức vị ngọt của Trà. Cái lạnh cuối mùa khiến tôi cảm thấy thèm một chút trà ấm. Thế là một mình mang trà ra pha và ngồi nghe Tân Nhàn hát "Sơn nữ dâng trà" để bỗng nhớ về những phút giây ấn tượng của Festival trà Quốc tế Thái Nguyên năm 2011 đã qua. Liên hoan trà đi qua nhưng dư âm vẫn để lại trong mỗi người con quê hương trà Việt - Thái Nguyên như tôi những niềm vui, niềm hạnh phúc khi một đặc sản ẩm thực có nguồn gốc nông nghiệp được tôn vinh lên tầm quốc tế.
"Anh về thăm quê hương em
Đất Thái Nguyên quê hương trà Việt
Có dòng sông Cầu nên thơ
Thắm tình em bên nương chè bát ngát

Anh về thăm quê hương em
Uống trà xanh ngắm trăng thanh bình
Có cô sơn nữ chung tình
Xin dâng trà mời anh ...."
(Hồng Hiến)
Phút thanh bình của tâm hồn với chén trà xanh ấm ngọt và cùng chia tay mùa lạnh, mùa rét năm nay. Sau đợt rét này, quê hương yêu dấu sẽ sang mùa hè với ve kêu, phượng nở, nắng vàng ...
Chu Hồng Đông

Chủ Nhật, 18 tháng 3, 2012

NẾU CHỈ CÒN ... THÌ ...

Đêm qua, H gọi điện cho tôi rất muộn. Khi ấy là 12h kém. Lệ thường lúc ấy tôi đã ngủ say lắm rồi, vốn chi cả tuần nay, cái men gan tăng một cách quái gở cứ dấn chìm tôi trong giấc ngủ, lúc nào cũng li bì như kẻ vừa lao động kiệt sức thèm ngủ… Tôi mắt nhắm, mắt mở bốc điện thoại lên “A lô …”. Tiếng H bắt đầu nói. Câu chuyện qua giọng nói của H cho tôi nhiều ám ảnh về số phận con người. Tôi thì vẫn biết số phận con người đại đa phần mong manh cả. Sinh - Tử chẳng ai quyết định được bao giờ. Đôi khi trong cuộc sống hối hả này có bao giờ bạn đặt ra giả thuyết “Nếu chỉ còn một ngày để sống” và điền nốt vế câu còn lại “Thì …” bạn sẽ làm gì? Thế giới này khoảng 7 tỷ người sẽ có 7 tỷ cách điềm vào dấu ba chấm kia các mệnh đề khác nhau. Tôi chỉ là một con số rất rất nhỏ trong 7 tỷ ấy vẫn mạnh dạn điền cho mình một vế câu thật ngắn. “Tôi chọn sống tốt với mọi người” Hay nói như ý thơ của tác giả TĐL thì:
Vô thường quy luật của muôn đời
Còn lại tình thương rãi muôn nơi
Mai ngày thân xác thành tro bụi
Chẳng tiếc thương chi chẳng ngậm ngùi
Nếu như khi sống ta xác định quy luật “Sinh - Tử” là vô thường và bằng trái tim nhân hậu “rãi” tình thương yêu con người đến muôn nơi thì một mai thân xác có về làm tro bụi cũng chẳng còn gì để “tiếc thương” với “ngậm ngùi".
Trên quan điểm của mình, H - thì nói với tôi đời người như hạt cát dưới đáy sông.  Cát và nước cùng chảy, cùng tìm ra biển lớn. Nhưng cát thì âm thầm trôi, âm thầm sống, âm thầm cống hiến những mảnh phù sa cho đời. Cát có một đời sống trầm và kín nhưng ý nghĩa.
Câu chuyện cứ thế trôi đi trong đêm vắng. Những tranh cãi về lý tưởng sống mà rút cục vẫn không gì hơn là: sống tốt và sống có ý nghĩa dù cho ngày mai, chỉ còn một ngày "để sống" đi chăng nữa. Rồi ai mà chẳng trở về làm cát bụi. Sao không là hát cát có ích cho đời nhỉ?! Làm mảnh đất để nuôi sống con người, nuôi sống tình người ...
Thái Nguyên, đêm ngày 18 tháng 3 năm 2012

Thứ Bảy, 3 tháng 3, 2012

THÊNH THANG GIÓ NÚI BA VÌ, HÀ TÂY ...

Dù bây giờ thì tên gọi Hà Tây chỉ còn trong ký ức của nhiều người. Lớp trẻ sau này nữa thì chắc hẳn sẽ không biết đến tên gọi ấy, nếu không lần về cùng lịch sử vì từ ngày 1 tháng 8 năm 2008, toàn bộ địa giới của tỉnh Hà Tây cũ được sáp nhập vào Thủ đô Hà Nội (Riêng xã Tân Đức được tách ra khỏi huyện Ba Vì, sáp nhập vào thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ ngày 14 tháng 7 năm 2008). Tôi không định mạn bàn về địa lý hay lịch sử mà chỉ định viết lên đây về kỷ niệm một chuyến đi về huyện Ba Vì, Hà Tây cũ và Hà Nội ngày nay ...
Tôi vẫn luôn được mẹ nhắc nhở rằng quê ngoại gốc của tôi ở huyện Phú Xuyên, Hà Tây, dù sau này nhà ngoại đã di chuyển lên vùng cao Lạng Sơn, rồi sau này là về cao nguyên Lâm Đồng. Nói vậy, nhưng những lần được thực sự sống trên đất Hà Tây của tôi đếm trên đầu ngón tay chưa hết một bàn tay. Có lẽ vì tôi là người ít thích di chuyển và không sống theo "chủ nghĩa dịch chuyển" nên chuyến đi về Ba Vì, Hà Tây này được tôi mong đợi rất nhiều. Dù tôi biết giữa hai huyện Ba Vì và Phú Xuyên không có nhiều điểm tương đồng. Ba Vì là một huyện bán sơn địa, còn Phú Xuyên là một huyện thuần túy đồng bằng.
Xe của đoàn tôi dời thành phố Thái Nguyên lúc 6h00và đến 9h20 thì đến đất thị xã Sơn Tây, ngược lên Ba Vì, điểm dừng chân đầu tiên của đoàn là mảnh đất thiêng K9.
K9 theo cách gọi phổ thông mà nhiều người biết gắn với 2 sự kiện lịch sử: Thứ nhất đây là căn cứ bí mật của Trung ương Đảng trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Thứ nhì nơi đây đã gìn giữ và bảo quản thi hài của Bác từ năm 1969 đến 1975. Cái tên K9 được bắt đầu bằng một lần Bác Hồ đi thăm Sư đoàn 316 đang diễn tập bên sông Đà vào năm 1956. Bác dừng chân nghỉ ăn cơm trưa ở đây, thấy khí hậu mát mẻ, địa thế hiểm trở, phong cảnh đẹp, Bác đã chọn vị trí này làm khu căn cứ của Trung ương đề phòng giặc Mỹ có thể leo thang chiến tranh ra miền Bắc. Ngay sau đó, Cục Doanh trại, Tổng cục Hậu cần được giao nhiệm vụ khảo sát, thiết kế và xây dựng một ngôi nhà làm nơi họp, làm việc, nghỉ ngơi của Bác Hồ và Bộ Chính trị. Ðến năm 1960, công trình được hoàn thành, đưa vào sử dụng và gọi tên là K9. Năm 1969, sau khi Bác mất, Đảng và Nhà nước ta đã quyết định đưa thi hài Bác lên đây để cất giữ và bảo quản. Đến năm 1975, thi hài của Chủ tịch Hồ Chí Minh mới được chuyển về thủ đô, đưa vào lăng. Do vậy, nơi này còn có một tên khác ít người biết đó là K84.
Nhà làm việc của bác Hồ và Bộ Chính trị.
Phòng nghỉ của Bác đơn sơ với giường và bàn ghế. Cửa sổ bằng lưới sắt để lấy không khí trong lành và chống côn trùng bay vào trong.
Ba hòn đá chông "Chồng - Vợ - Con". Nơi mà ngày 23 tháng 2 năm 1958, Bác đã đích thân cùng đồng chí Vũ Kỳ và đồng chí Nguyễn Lương Bằng đi khảo sát địa hình; Buổi trưa dừng lại ăn cơm trưa ở đây và Bác quyết định chính thức sẽ xây căn cứ bí mật nơi này.
Ba chiếc xe được dùng để phục vụ đưa thi hài Bác từ Hà Nội lên K9 và ngược lại. Gần trưa, đoàn tôi đã kết thúc một vòng thăm quan quanh K9, được tận mắt nhìn những hiện vật lịch sử của vùng đất địa linh K9. Bữa cơm trưa trong trại lính mang hương vị của lính mà ăn thấy thật ngon. Có lẽ cả đoàn đã thấm mệt vì đường dài và cả hành trình đi bách bộ quanh khu trại nữa. Chia tay K9 đoàn xuôi về vườn Quốc gia Ba Vì, vượt những con đèo quanh co trong mù sương để đến khu nhà thờ Bác và Đền Thượng - thờ thánh núi Tản Viên.
Cổng lên nhà thờ Bác trên ngọn núi cao nhất Ba Vì - đỉnh Vua, ở độ cao 1.296m. Dù đã chuẩn bị tinh thần là leo lên đỉnh núi, tôi vẫn không hình dung ra đường lên lại dốc ngược và khắc nghiệt như thế. Quá mù hóa mưa, từng đợt gió khiến tai ù ù và tạt vào người khí ẩm tê lạnh. Nhưng cái háo hứng được lên non thiêng thắp hương tưởng nhớ Bác, được chinh phục đỉnh cao cho tôi thêm sức mạnh để đến được đỉnh núi. Và đúng như thơ Người viết " Núi cao lên đến tận cùng. Thu vào tầm mắt muôn trùng nước non" từ trên đỉnh núi cao nhất này có thể bao quát nhìn về bốn bề non sông đất nước được.
Ðền Bác được thiết kế và xây dựng theo kết cấu bền vững, phong cách đậm đà bản sắc dân tộc, uy nghiêm mà ấm cúng và cũng toát lên sự giản dị như ngôi nhà sàn nơi Người đã sống và làm việc. Bức tượng đồng Bác đang ngồi đọc Báo đặt trên bệ đá ở chính giữa nơi đặt bàn thờ trong đền. Trên cao là cờ Tổ quốc ghép bằng đá hoa cương mầu đỏ, phía dưới về hai bên phải, trái là chuông đồng và khánh đồng. Tất cả tạo nên một tổng thể hài hòa thể hiện sự trường tồn, vĩnh cửu của ngôi Đền, của anh linh Bác. Một nén tâm hương của con cháu kính dâng lên Người, tôi ngồi nghỉ lại trong chốc lát rồi lại theo hành trình xuống núi sang Đền Thượng.
Hành trình lên Đền Thượng dù thấp hơn Đỉnh núi Vua nhưng cũng đầy khắc nghiệt. Dốc đá dựng đứng, quanh co, mưa trơn đường ướt. Sau một hồi vất vả, tôi cũng đến được cửa Đền. Đền Thượng là một ngôi đền gồm ba gian hai trái, một nửa mái sau Đền là vách đá, không có mái, kết cấu công trình làm bằng bê tông xi măng theo kiểu kiến trúc xà, cột. Phần mái được lợp bằng ngói mũi hài với đầu đao cong vút. Hai tường hồi bố trí hai vòng tròn sắc không đối diện nhau mô phỏng biểu tượng của nhà Phật. Trên ban thờ Thánh Tản Viên – Sơn Tinh có một khám thờ trong có ba ngôi tượng đá cổ, mỗi pho tượng được tạc ở ba tư thế khác nhau tượng trưng cho Sơn Tinh, Thái Bạch Thần Tinh và Quý Minh đại vương. Làm xong phần lễ nơi Đền Thượng tôi tiếp tục đường lên đỉnh núi, chừng 50m nữa để đến bên tượng Thánh Mẫu đặt nơi đất bằng trên đỉnh núi. Thỉnh ba hồi chuông, xin Mẫu từ bi chứng cho lòng con ở phương xa có dịp về bên Mẫu. Tôi cảm thấy lòng thực sự thanh thản, hạnh phúc dù lúc này con đường xuống núi vẫn còn dài và trơn ướt.
Non thiêng Tản viên, đất linh K9 của huyện Ba Vì, Hà Tây (Hà Nội) đã một lần ghi lại trong tôi nhiều cảm xúc.
Tôi đến Tản Viên một chiều xuân
Non thiêng núi biếc cõi thoát trần
Đền trên đỉnh núi trầm chuông mõ
Thấm mệt mà lòng chẳng chồn chân
Chu Hồng Đông, Ba Vì, Hà Tây (Hà Nội) ngày 3 tháng 3 năm 2012.
Viết nhân chuyến hành hương về Nguồn tháng 3 - 2012