Thứ Năm, 18 tháng 2, 2016

XUÂN THÁI HÒA - BÍNH THÂN 2016

KHAI BÚT XUÂN BÍNH THÂN 2016

18-02-2016 15:20
10 năm viết về Xuân, có lẽ Xuân này là một mùa xuân thái hòa nhất vì mọi thứ đến với ba mẹ và con gái vừa đủ để cảm nhận về mùa xuân yên bình, hạnh phúc. Xuân Bính Thân năm 2016. Ba lại nhẹ nhàng đặt bút viết về mùa đẹp nhất của năm. Mùa xuân năm nay ba chọn chủ đề: XUÂN THÁIHÒA.
XUÂN THÁI HÒA (Bính thân 2016).
Có lẽ ba là người kém may mắn trong sức khỏe khi cận Tết lại nhận thêm cái bệnh án Viêm phế quản phổi và phải tiêm kháng sinh liên tục trong 10 ngày. Tính từ ngày tiêm thuốc đến hết mùng 3 Tết mới trọn 10 ngày điều trị. Ai từng tiêm kháng sinh rồi đều biết, ngoài đau về thể xác là sự mệt mỏi, ê ẩm những ngày thuốc ngấm ... Nhưng bàn mãi về chuyện sức khỏe để làm gì khi Xuân đang cận kề ngoài ngõ. Số mệnh con người ai rồi cũng có lúc thăng trầm về các mặt như tài chính, công việc hay sức khỏe. Xuân đến, ba gói những chuyện buồn lại để cùng con gái và gia đình đón Tết, đón năm mới Bính thân.Theo vận khí năm Thân, sao Nhị Hắc đến giữa nhà chắc chắn cũng sẽ điều không tốt về sức khỏe. Hóa giải những việc này, sau trao đổi với những người bạn vong niên của ba am hiểu về văn hóa, tập quán và Hán Nôm, ông đã khuyên ba chọn trang trí nhà đón năm mới bằng chữ ĐỨC. Để nối dài chữ PHÚC mà ba đã chọn trang trí nhà năm Ất Mùi 2015.  
Trong quan niệm dân gian, những chữ được thờ cúng phải kể đến như: Phúc – Lộc – Thọ – Đức – Tâm – Nhẫn ... Nhưng xét cho cùng, trong cuộc đời này ĐẠO ĐỨC mới là điều quan trọng, nó là cái gốc để sinh Tâm, sinh Phúc, sinh Lộc rồi Thọ.  Trong lĩnh vực tâm linh và Phật giáo, chữ ĐỨC cũng được nhà Phật coi trọng và đức Phật Thích Ca có ba đức mà mỗi người trong chúng ta khi quỳ lạy trước Ngài thường ca tụng và cầu xin đó là:  Bi Đức, Trí Đức và Tịnh Đức. Ba chữ Đức ấy của nhà Phật hiểu nôm na thế này con gái ạ: "Bi đức" là tình thương bao la, là lòng trắc ẩn. "Trí đức" là trí tuệ cao cả không gì sánh bằng như trí tuệ của Phật tổ. "Tịnh đức" là trước sau, tâm của Phật vẫn như như vậy, không thay đổi. Con gái của ba 3 tuổi rồi, tuổi bắt đầu biết học hành và tiếp thu nhận thức. Chữ đầu tiên ba muốn dạy cho con đấy là chữ Đức. Tài thì mỗi người một khác nhau nhưng có Đạo Đức con mới phát huy được hết cái Tài ấy trong mình. 

Từ những tâm niệm ấy, trang trí nhà năm nay và những năm về sau ba mẹ chọn chữ ĐỨC để cùng con xây dựng những nền tảng ban đầu về nhân cách con người.

Gần Tết không gian nhà mình đã ngập trong những sắc vàng, đỏ và những chữ ĐỨC. Những mầu mang tính dương và vẫn thường được quan niệm là mang lại may mắn cho năm mới. Một năm mà ba chọn viết về "Xuân Thái Hòa". Tản mạn đôi dòng về cụm từ ấy để sau này con gái thêm hiểu về văn hóa Việt và Tết truyền thống. "Xuân" là thời hay xuân thì, là đương độ xuân xanh. Tết mang theo cảm thức đỉnh cao của ý niệm thời gian. Do đó, Tết là cảm quan cực độ của "Hòa hợp", hòa hợp tất cả: Con người, sinh vật và môi trường thiên nhiên. “Thái”, thì cần bền lâu, nhờ cuộc sống và sinh thái hài hòa, yên bình. Tết năm nay có lẽ là cái Tết yên bình nhất trong ba mẹ. Không ồn ào tiệc tùng lãng phí, không hoa đắt tiền, không phô trương, không du lịch hay dự cá lễ hội Xuân mà vẫn đậm chất Xuân và Tết.

 Tết đến từ ngày hai ba tháng chạp đưa Táo quân về trời. Vẫn mũ hài quần áo, vẫn mâm cúng cơm và 3 con cá chép đỏ như những năm nào. Truyền thống ngàn năm đâu bỏ được. Con gái đã được cùng ba mẹ chuẩn bị mâm cúng tiễn Táo quân. Dân gian vẫn tâm niệm, sau ngày 23 tháng Chạp các thần linh đi vắng nên mới cho con cháu dọn sửa ban thờ. Cũng theo quan niệm ấy, sau ngày Táo gia đình mình về tiên giới, ba mẹ cùng con bắt tay vào dọn và trang trí không gian thờ cúng của gia đình. Ba mẹ đã chọn bộ cuốn thư câu đối "Quang Lưu Đức" để trang trí ban thờ. Ý nghĩa của cuốn thư là: Đức sáng muôn đời, hay đức tốt được lưu giữ và tỏa sáng mãi mãi hay đức trạch cao đầy thì ảnh hưởng sâu rộng, con cháu được hạnh phúc đời đời. Ngoài ý nghĩa làm đẹp cho ban thờ tổ tiên, thể hiện cái thành ý của con cháu với  các bậc sinh thành, ba mẹ muốn nhắc con rằng:  Sống có ĐỨC thì đời sau được rạng ranh và quang phát. Đạo đức là vốn quý nhất trong cuộc sống này.

Đêm giao thừa đến. Đêm ấy ba mỏi và đặt lưng đến cận giao thừa mới thức giấc. Lễ giao thừa được cử hành ở ngoài sân trước và trong nhà sau. Lễ cúng ngoài trời phải làm trước nhằm “nghênh tân, tiễn cửu” tức là đón quan hành khiển mới, tiễn quan hành khiển cũ. Lễ cúng giao thừa ngoài trời sẽ có xôi gà và hoa quả, riêng lễ cúng này không cần dùng bát hương mà có thể cắm hương vào các đồ lễ cúng. Lễ trong nhà được cử hành sau. Giao thừa là thời khắc được chờ đợi nhất trong năm, đó không chỉ đơn giản chỉ là thời điểm tiễn năm cũ, đón năm mới mà đây còn là lúc mọi người cầu sự bình an, may mắn, thịnh vượng và xua đi những khó khăn, đen đủi trong một năm sắp tới. Thành kính trước ban thờ gia tiên trong giây phút giao thừa, ba cầu chúc an bình đến mọi ngườ trong gia đình và con gái của ba hay ăn chóng lớn, học hành chăm chỉ nên người.

Xuân đã về bên gia đình. Mọi góc nhà đã ngập trong sắc Xuân. Nhưng sắc xuân mãnh liệt nhất có lẽ phải kể đến cành đào. Hai năm nay nhà mình chọn trang trí nhà bằng cành đào phai thay cho sắc Bích đào truyền thống. Sức quyến rũ của đào phai trên hết vẫn là giữ được nét tự nhiên, cái mà con người thường mong ước, hướng tới. Một cành đào đẹp để trong nhà, ngoài sự thể hiện con mắt thẩm mỹ của gia chủ, còn toát lên giá trị truyền thống của dân tộc được bảo lưu, giữ gìn. Vẻ đẹp tự nhiên này đã cuốn hút cả nhà. Nên giữa chợ hoa ngày tết muôn màu và đặc biệt những cây đào đủ thế, như một lẽ tự nhiên, nhà mình vẫn chọn cành đào phai chơi tết.
Trong muôn sắc hoa ngày Tết, hoa lay- ơn hay có tên gọi kiều diễm hơn là hoa kiếm lan vẫn được nhà mình chọn để trang trí Tết. Sắc đỏ mãnh liệt của hoa xua đi những điềm không may mắn. Đó cũng là ý nguyện của ba mẹ trong năm mới Bính thân này.

 Trong những sắc mầu của Tết, mầu vàng  vốn được xem là mầu của sự thịnh vượng, huy hoàng. Chọn sắc vàng cho Tết, ba mẹ chọn cắm một bình hoa địa lan vàng và cây Quất. Chữ Quất được đọc lái từ chữ CÁT trong tiếng Hoa. Chữ ấy có nghĩa là điềm tốt. Một cây Quất đẹp phải hội tụ: Hoa, quả xanh và chín, những lá non ... Hội tụ đủ những điều ấy dự báo một năm Đại Cát với nhiều điềm tốt lành và yên vui.

Không khí tết ấm áp nhất có lẽ là nồi bánh chưng xanh. Cả nhà quây quần gói bánh chưng luôn mang lại không khí tết nhiều nhất. Ấp ủ chụp cho con gái yêu của ba mẹ một bộ ảnh xuân đến gần tết ba mới có thời gian thực hiện. Bộ ảnh xuân năm nay của con rất độc đáo bởi không lặp lại những cảnh chợ hoa hay vườn đào như mọi năm và nhiều bạn trẻ vẫn hay làm. Ngay trong không gian nhà ấm cúng, chiếu gói bánh chưng xanh ngày tết, con diện áo dài truyền thống cùng ba mẹ sắp nồi bánh chưng xanh. Dù vui đến đâu vẫn cảm động nhớ về câu hát "Trông bánh chưng chờ trời sáng, đỏ hây hây những đôi má hồng..." của nhạc sỹ Trịnh Lâm Ngân trong "Xuân này con không về" trong thời chiến hay cho những ai đang xa xứ nhớ Tết ở quê nhà với "mai đào nở vàng bên nương" mong ngày đoàn tụ.
Báo Xuân. Viết báo ngày xuân là một thú chơi Tết mới của ba. Ba nhớ năm con gái chào đời, ba đã dành nhiều yêu thương viết về con gái trên tạp chí dành cho bà mẹ tuyệt vời, tạp chí Bầu số báo tết. Ngày ấy cuốn tạp chí nhỏ đã trở thành món quà xuân ba mẹ tặng mọi người. Thời gian sau thì ba tiếp cận nhiều hơn với báo điện tử vì sức mạnh của công nghệ thông tin luôn nhanh và cập nhật hơn. Tối 30 tết sau bữa cơm tất niên ba đã dành viết nhật ký về Tết cho con gái. Ngày sau đó, báo tiếng Việt nhiều người xem nhất VNExpress đã giúp ba chia sẻ những yêu thương đấy đến cộng đồng độc giả của báo với chủ đề "Tết của trẻ lên ba". (Ba dẫn đường link để đọc tâm sự ấy: http://giadinh.vnexpress.net/tin-tuc/to-am/tet-cua-tre-len-ba-3353925.html). 

Du Xuân. Những chuyến xuất hành đầu năm nay của ba mẹ chính là các Chùa và Đền thiêng trong tỉnh Thái Nguyên. Quan niệm về đi lễ chùa ngày đầu năm thống nhất ở điểm là cầu an bình trong năm mới. Sau phút giao thừa, ba mẹ đã có chuyến dâng hương Đền Xương rồng và Chùa Hồng Long tự. Chọn hai địa chỉ này bởi đây là hai ngôi Đền và Chùa ở ngay trên địa bàn phường nhà mình. Những ngày sau đó trong tết, ba mẹ đều dành thời gian dâng lễ các Đền chùa quanh địa bàn tỉnh theo 4 hướng Bắc, Nam, Đông và Tây. Ba mẹ rất vui vì sau nhiều năm đây là lần đầu ba mẹ dâng hương tại nhiều đền và chủa cổ kính của tỉnh, kể đến như: Hệ thống đền chùa cầu Muối huyện Phú Bình, hệ thống đền thờ thánh Dương Tự Minh dọc QL3 lên tỉnh Bắc Kạn, Đền Long Giàn huyện Đồng Hỷ thờ Hai Bà Trưng Trắc và Trưng Nhị và Thờ đức Hoàng Mười, thờ quan Đệ Nhất, bên trái thờ quan Đệ Nhị, bên phải thờ quan Đệ Tam và thờ Hoàng Bẩy, Hoàng Bơ.... Và chuyến du xuân qua Đền Hích, Phủ chúa bà Đệ nhị, Đền ông Bẩy Đá thiên huyện Đồng Hỷ ...  Thật bình an những ngày thư thái dâng lễ các Đền, chùa và phủ nổi tiếng của tỉnh nhà. Sau nhiều năm nghiên cứu thêm về Đạo Mẫu và tín ngưỡng thờ tam tứ phủ, việc dâng hương và làm lễ của ba mẹ đã ý nghĩa thêm rất nhiều. Và tự hào ngay trên chính mảnh đất trung du Thái Nguyên quê mình cũng có những nơi đất thiêng liêng để học đạo. 

Tết là để đoàn viên bên gia đình. Những bữa cơm ngày tết luôn đủ vị với: Canh măng, canh mọc, bát miến, dưa hành, thịt mỡ và bánh chưng xanh...  Cả nhà quây quần đoàn viên bên mâm cơm ngày tết. 

Khúc nhạc xuân. Năm nay có lẽ là một năm đặc biệt. Thay bằng những khúc nhạc xuân truyền thống hay những phim hài như Táo quân của VTV, ba mẹ hay mở nhạc hát văn theo điều chèo truyền thống. Đây là hình thức lễ nhạc gắn liền với nghi thức hầu bóng của tín ngưỡng Tứ phủ trong Đạo mẫu  và tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần (Đức Thánh Vương Trần Hưng Đạo). Bằng cách sử dụng âm nhạc mang tính tâm linh với các lời văn trau chuốt, nghiêm trang, chầu văn với những lời ca mang tính giáo dục cao, nhất là những đoạn ca ngợi về công lao hay ca ngợi, dăn dạy người ta về ĐẠO ĐỨC. Trong khói nhang thơm của ngày tết, phảng phất những tiếng xênh, tiếng phách, tiếng hò ... thật lưu luyến lòng người. Xuân an bình và thái hòa qua từng cả câu hát .... "Hò ơi .... ai là người có Tâm có Đức thì mới được theo quan Hoàng Mười"  hay:“…Thương ai vất vả đoạn trường. Gian nan thời càng lắm ta thương càng nhiều. Chở che, che chở mọi điều. Qua cơn bi cực sẽ tới chiều thái lai.Ta cho lộc, ta cho tài. Chiều có khi vơi, tối khi cạn nhưng sớm mai lại đầy. Nhắc ai nhớ náy câu này. Càng nhiều Tâm thì Đức càng dày vinh hoa …”
Tục Hóa vàng. Tết nguyên đán vẫn thường kéo dài trong ba ngày. Ngày mùng ba các gia đình thường làm lễ hóa vàng hết tết. Sau 3 ngày Tết, các gia đình Việt thường sẽ làm một mâm cơm, rồi đốt vàng mã tiễn gia tiên về trời sau một thời gian đã về ăn Tết cùng con cháu. Bên cạnh ý nghĩa đó, lễ hóa vàng còn mang ý nghĩa đón Tài thần và Hỷ thần từ thiên đình về với gia đình mình. Một năm mới những ước nguyện về sự no ấm, an vui.  

Những bụi tàn tro của tiền vàng ba ngày tết  bay lên cũng là lúc Tết nguyên đán đang dần khép lại. Chút lưu luyến nhẹ ngang qua lòng người. Mười năm cầm bút viết về xuân và tết của ba vẫn chưa bao giờ cạn nguồn vì Xuân là mãi mãi. Từ ngày có con gái, mùa xuân cũng là mùa viết để lưu bút cho con. Lưu lại kỷ niệm về Tết. Dạy con sau này yêu văn hóa truyền thống và giữ gìn những bản sắc của dân tộc.

Xã hội đã tiến bộ hơn rất nhiều. Việc thờ cúng trong gia đình không còn là việc của riêng con trai và gánh đàn ông nữa. Dù là phận gái việc thờ cúng gia tiên và ông bà vẫn là trách nhiệm chung của con cháu. Ba tự hào vì có Chích Bông là Trưởng nữ. Sau này con nhớ nhé, chỉ có không thờ cúng gia tiên mới là bất hiếu còn trách nhiệm giữ hương lửa, tưởng nhớ cội nguồn là ĐẠO của mọi người làm con, không phân biệt trai hay gái. Ba tự hào về Trưởng nữ của ba dù mới lên 3 tuổi nhưng cũng đã thành tâm chắp tay trước ban thờ tiên tổ. Xuân đã về không chỉ thái hòa với đất trời và cả lòng người cũng thấy an vui và hạnh phúc. 

 Khai bút năm Bính thân ba mẹ lại thêm một lần cùng con dệt kỷ niệm bằng những bài viết về Xuân và Tết. Cầu chúc năm mới với nhiều niềm an vui, hạnh phúc và may mắn.

Chu Hồng Đông - Khai bút Xuân Bính thân 2016.

Chủ Nhật, 17 tháng 5, 2015

KỶ NIỆM MỘT NGÀY HÈ

Tháng năm hè về, nắng chang chang đổ vàng khắp các con phố. Có những ngày trốn nắng, ba mẹ đưa Chích Bông dạo chơi trong không gian thanh bình của những bản làng miền núi.
Chích Bông được ba mẹ đưa đến thăm một ngôi nhà của đồng bào H'Mông sinh sống.
Điều thích thú đầu tiên con bắt gặp ngoài ngôi nhà chát vách đất, đó chính là chiếc hàng rào bằng đá. Có lẽ chỉ đồng bào các dân tộc ở vùng cao, đặc biệt là người H'Mông, mới sáng tạo ra cách làm hàng rào bằng đá. Ở vùng cao, trẻ em ba bốn tuổi đã biết tha thẩn đi lấy đá về xếp ở góc vườn. Lớn hơn một chút, bé đã được cha, chú bày cho cách chọn đá và xếp đá. Người già kể lại rằng: Chọn được nơi có địa hình tương đối bằng phẳng để làm nhà, nhưng nhiều đá quá, bà con bê đá xếp gọn vào một góc. Sau đó, có gia đình nghĩ ra cách khéo léo xếp những hòn đá lởm chởm, đủ kích cỡ kia thành hàng rào quanh nhà để phòng kẻ xấu và thú dữ. Thế là nhà này bắt chước nhà kia, người này học người kia tạo thành một nét độc đáo của đồng bào: Hàng rào xếp đá.
Con cũng bắt gặp một chiếc cối xay ngô đầy lạ mắt.  Theo truyền thống, người H'Mông làm nhà trên núi cao và thức ăn hàng ngày là mèn mén. Họ làm nhà trên đỉnh núi vì không muốn thấp hơn bất cứ dân tộc nào.  Họ ăn mèn mén vì chỉ biết trồng ngô. Để có món mèn mén thì người Mông phải sử dụng những chiếc cối xay bằng đá cổ xưa kẽo kẹt nhẫn nại nghiền ngô thành những hạt mịn. Cũng trong ngày rong chơi này, Chích Bông còn được thăm một nếp nhà sàn của đồng bào dân tộc Tày, Nùng ...
Điều con thích thú nhất, đó là gian bếp, với những dụng cụ làm bếp con chưa bắt gặp bao giờ.
Một ngày trốn nắng hè oi bức và rong chơi của con thật thú vị, Con luôn nở cười trong suốt hành trình cùng ba thăm những nếp nhà, những phong tục, tập quán sinh hoạt của đồng bào miền núi, vùng cao.
Thế giới tự nhiên quanh con thật tươi đẹp. 

Thời gian gần đây ở địa phương mình sinh sống đang triển khai rộng khắp phong trào hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội ổn định sản xuất và đời sống các xóm, bản đặc biệt khó khăn có nhiều dân tộc H'Mông sinh sống. Bằng nhiều chuyến thực tế, Ba đã có thêm thời gian để tìm hiểu về đồng bào. Chính thế, trong 54 dân tộc anh em, thời gian gần đây ba giành nhiều thời gian giới thiệu với Chích Bông về tập quán dân tộc H'Mông - một thành viên quan trọng trong cộng đồng các dân tộc thiểu số ở Việt Nam./.
Chu Hồng Đông

Thứ Ba, 12 tháng 5, 2015

NÓI VỚI CON VỀ NHẠC TRỊNH


Tháng tư về. Hôm nay ba mẹ đưa Chích Bông đến một nơi đặc biệt. Khác xa với thế giới trẻ thơ của con. Ở đó không có nhà phao, không có bể bơi hay cầu trượt, không có đu quay hay cầu bập bênh. Nơi đó có phím dương cầm nhỏ, một cây đàn ghi ta cũ kỹ, một sân khấu đã bạc mầu thời gian. Nơi ấy là không gian để tưởng nhớ một người nhạc sỹ tài hoa mang tên Trịnh Công Sơn. Con còn quá nhỏ để hiểu hết những ca từ của Trịnh vì phần lớn nhạc ông viết là tình ca mà.
Ít ỏi trong những ca khúc ông viết cho trẻ thơ mà ba biết là “Em là bông hồng nhỏ”. Bài hát là tâm sự của một em bé với những tình cảm yêu thương của mình dành cho bố mẹ. Em mơ thấy mình lạc vào một thế giới của những trang sách hồng, với những vần thơ đầy yêu thương. Mơ thấy mình làm một bông hồng nhung nhỏ, bay giữa trời làm mát ngày qua. Nhưng chắc chắn không phải là mơ, mà là hiện thực, là lời khẳng định : Em sẽ là mùa xuân của mẹ. Em sẽ là màu nắng của cha. Em sẽ là niềm hạnh phúc của cha mẹ, và vì thế em được đưa vào một thế giới đầy ắp tình người. (Đưa em vào tình người bao la).
Thế giới của em bé đẹp tựa mùa xuân, em chính là mùa xuân của mẹ, em chính là màu nắng của cha. Với giai điệu nhẹ nhàng, trong sáng, tinh khiết như những giọt sương buổi sớm, ấm áp nhưng màu nắng sưởi ấm trái tim người cha.

Lời ca trong ca khúc này thật giản dị, giàu hình ảnh, giàu chất thơ và hoàn chỉnh như một bài thơ:

Em sẽ là mùa xuân của mẹ
Em sẽ là màu nắng của cha
Em đến trường học bao điều lạ
Môi hé cười là những nụ hoa
****
Trang sách hồng nằm mơ màng ngủ
Em gối đầu trên những vần thơ
Em thấy mình là hoa hồng nhỏ
Bay giữa trời làm mát ngày qua
****
Trời trong xanh, đất hiền hòa
Bàn chân e đi nhè nhẹ
Đưa em vào tình người bao la
****
Cây có rừng bầy chim làm tổ
Sông có nguồn,từ suối chảy ra
Tim mỗi người là quê nhà nhỏ
Tình nồng thắm như mặt trời xa.

Từ một nhạc sĩ viết nhạc cho người lớn, luôn trầm tư, trăn trở với đời , với những câu mang đậm chất triết lí: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng; Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi, để một mai tôi về làm cát bụi …” thế mà Trịnh Công Sơn lại có những câu hát hồn nhiên, trong trẻo, tràn đầy tình yêu, tràn đầy nhựa sống dành cho trẻ con. 
Thế giới trẻ con trong tâm hồn người nhạc sĩ tài hoa này lung linh như màu nắng, hồn nhiên trong trẻo như bầu trời, nhân hậu, hiền hòa như mặt đất. (Trời trong xanh, đất hiền hòa..) Mỗi khi nghe bài hát này, ba thấy thấy cả đất trời bừng lên màu hoa hồng đỏ thắm, tỏa ngát hương, dể thương, hồn nhiên như giấc mơ của bé. 
Nhạc Trịnh – Tưởng chỉ phù hợp với những người thích suy tư như ba thôi. Nhưng không, đâu đó trong di sản của ông vẫn có những đoạn nhạc trong trắng, hồn nhiên, mãi mãi không …già đi, mãi mãi không “về cùng cát bụi”. Yêu nhạc Trịnh từ bé nhé Chích Bông. Bởi cái chân – thiện – mỹ và tư duy Phật giáo thì thường được reo mầm từ khi con người ta còn rất nhỏ.
Viết: Chu Hồng Đông - 01/4/2015 ngày giỗ Trịnh Công Sơn.

Thứ Ba, 24 tháng 2, 2015

BA MẸ MANG XUÂN VỀ CHO CHÍCH BÔNG (Khai bút Xuân Ất Mùi - 2015).

Ba tự hào đã có 9 năm viết về Xuân và Tết. Chín năm nhìn những thay đổi của cảnh vật xung quanh nhưng tình người và tình xuân thì không nhiều thay đổi. Vẫn cái hối hả những ngày cuối năm, vẫn cái háo hức mong chờ Tết đến, vẫn còn nguyên những phong tục truyền thống của người Việt mình trong ba ngày Tết... Vì chỉ Tết thôi đã nói lên rất nhiều rồi.
Ba sẽ mở đầu bài viết Tết này bằng những hình ảnh rất đượm buồn ngày cuối năm, ngày 23 tháng Chạp năm nay của ba: "Cuối năm vốn đã bộn bề công việc nhưng cũng là lúc mà lòng người nhiều tâm trạng. Tình cờ lướt qua facebook đọc được dòng chữ “Người ta đi mua sắm Tết. Còn mình thì đi sắm sức khỏe cho con…” mà tự lòng sắt lại. Mình cũng trong tâm trạng ấy. Người ta đi sắm Tết còn mình đi sắm sức khỏe cho mình. Sáng theo anh Ngô Cường ra UBND tỉnh rồi vòng qua Bệnh viện An Phú kiểm tra lại điện tim và khám. Sau hơn một tuần dài dùng thuốc, kết quả khám lại chưa nhiều chuyển biến: Thiếu máu cơ tim, Rối loạn tuần hoàn não, Rối loạn nhịp tim …. Chiều 23 tháng Chạp rồi, tuần nữa vào Tết. Táo quân năm nay về trời chắc sẽ có cả một “bệnh án” của mình để báo cáo: Xuất huyết tiêu hóa, Mất nước điện giải, Gan xuất hiện những nốt giảm âm, Thiếu máu cơ tim. Lệ thường Tết đến xuân về vui lắm. Mà năm nay nhìn lại mình thấy chẳng có gì đáng để mừng cả. Mưa lất phất gieo nhẹ lên mái đầu đã có sợi bạc, mình đi bộ từ Bệnh viện về cơ quan. Ngoài đường ai đó đang lo chọn cho mình cành đào, cây quất, con cá chép … còn tôi, tôi đi sắm cho mình sức khỏe để về nhà ăn Tết. Một năm quá nhiều chuyện buồn về sức khỏe!". Ba đã nghĩ mình cạn sức rồi, không kịp mang về cho con mùa Xuân và Tết khi sức khỏe của ba mỗi ngày một yếu. Khắp các bệnh viện từ Thái Nguyên đến Hà Nội đều chưa tìm ra bệnh gì thủa đáng. Ba hoang mang nhiều những vẫn cố gắng lạc quan nhìn về ngày mới. Dù vào thời điểm ấy, ba mẹ chưa xác định chính xác ba đang mắc căn bệnh gì?!
Mọi việc trong nhà vẫn âm thầm chuẩn bị cho Tết 23 tháng Chạp đưa các Táo về trời. Lễ cũng tiễn đưa Táo quân vẫn diễn ra như mọi năm. Sự chuẩn bị có phần chu đáo hơn vì trước ngày 23 tháng Chạp, nhà mình có cả hai ngày cuối tuần sửa soạn.
Ngày 27 Tết, ba ngày nữa là sang năm mới Ất Mùi. Ngày này ba đã xác định được chính xác bệnh và được điều trị tích cực. Như một sự huyền diệu khi sau hai ngày dùng thuốc ba đã tỉnh táo, khỏe hơn rất nhiều, sư hoang mang về bệnh tật giảm xuống, mọi thứ giác quan trong ba bừng tỉnh. Xuân về chưa nhỉ? Ba vẫn còn thời gian để mang xuân và Tết về cho con gái. Thế là ba mẹ và cả nhà bắt tay vào chuẩn bị mọi thứ cho Tết, cho con. Và một phần vì thế, trang hoàng nhà cửa năm nay ba chọn chủ đề "Phúc", với kỳ vọng nhiều vào sự bình an, may mắn trong năm tới.
Chiều 30 Tết, Chích Bông được ba mẹ đưa đi chơi chợ hoa và chọn hoa đào trưng Tết. Chợ hoa ngày cuối năm đông vui tất bật. Con gái vui mừng hòa cùng dòng người đi giữa rừng hoa.
Thành phố vào Xuân, rực rỡ những sắc màu.
Và con được diện chiếc áo dài truyền thống của người Việt. Sắc vàng huy hoàng, tươi sáng cho ba mẹ nhiều kỳ vọng vào năm mới.
Đặc biệt những kỳ vọng vào sức khỏe và con gái. Con thêm tuổi mới sẽ ngoan hơn và biết nhiều thứ hơn.
Chích Bông của ba mẹ duyên dáng trong áo dài dân tộc nhưng vẫn giữ những nét ngay thơ, hồn nhiên, ngộ nghĩnh của con trẻ.
Lang thang ngắm chợ hoa ngày Tết, cuối cùng ba mẹ và Chích Bông cũng chọn được một cành đào phai về chơi Tết. Cũng năm đầu tiên nhà mình chọn sắc đào này thay cho đào bích vì năm nay nắng ấm, đòa đã rộ nở trước Tết nhiều ngày, thật khó tìm được cành đào ưng ý.
Theo phong tục thì 3 ngày Tết của người Việt có ba sự gặp gỡ quan trọng. Đó là sự gặp gỡ các Thần linh, thổ công và Táo quân. Thứ hai là sự gặp gỡ tổ tiên, ông bà về xum họp cùng con cháu. Sau cùng là mọi thành viên trong gia đình dù có làm ăn bươn trải phương nào cũng về nhà để gặp gỡ, sum họp gia đình. Ba ngày Tết cả nhà đoàn viên bên mái ấm. Và bàn bè, người thân giành thời gian thăm nhau, nâng lý chúc nhau sức khỏe an bình.
Ban thờ ngày Tết, nơi gặp gỡ của các vị thần linh trong gia đình

Và một phong tục đẹp khác đó là đi Lễ đầu năm. Chích Bông năm nay cũng được theo ba mẹ thăm và dâng các chùa trong thành phố.
Và cửa Phật từ bi luôn là nơi đông du khách thập phương những ngày đầu xuân nhất. Bỏ lại những lo toan đời sống ba mẹ và Chích Bông đã thư thái đi dâng hương các chùa, đền ... nổi tiếng nhất thành phố Thái Nguyên hiện nay.
Và mơ ước sống lại thời "chăn trâu - cắt cỏ".
Ba ngày Tết chóng qua để lại trong lòng nhiều lưu luyến. Ba tiếc vì năm nay sức khỏe của ba không tốt để mang về một mùa xuân đầy đủ hơn cho Chích Bông. Mọi thứ chuẩn bị chóng vánh vì những nơi ồn ào vẫn làm ba mỏi và choáng váng. 
Năm mới Ất Mùi đã sang rồi. Mọi người chúc nhau nhiều thứ, con ba mẹ thì chúc cả nhà mình Mạnh khỏe trong năm mới này. Có sức khỏe cả nhà sẽ làm được nhiều thứ hạnh phúc hơn mùa xuân con gái nhỉ?
Riêng Chích Bông bé nhỏ, ba chúc con ngoan, hay ăn chóng lớn và học hành chăm chỉ thành tài con nhé. Một năm khởi đầu từ mùa xuân, đời người bắt đầu từ tuổi trẻ. Vạn vật đã bừng tỉnh đón xuân về, đón nắng mới, đón những niềm hy vọng mới. Cả nhà cùng lạc quan bước sang năm mới con nhé!
Chu Hồng Đông (Khai bút ngày 5 tháng Giêng năm Ất Mùi).

Thứ Ba, 6 tháng 1, 2015

QUÀ TÂY BẮC CHO CHÍCH BÔNG

Dịp đầu năm mới 2015, ba mẹ có chuyến công tác Tây Bắc ba ngày. Ba ngày xa con gái, Chích Bông ở nhà với ông bà chắc nhớ ba mẹ lắm. Ba mẹ cũng vậy.
 Từ ngày có Chích Bông đây là chuyến đi xa nhà và xa con gái nhất của ba mẹ. Chiều vùng cao Tây Bắc, gió mùa Đông Bắc áp vào lòng se sắt lạnh. Ba mẹ có dịp thăm một bản người Mông và một bản người Dao đỏ. Nhìn những bà mẹ địu con trên lưng thấy nhớ con gái rượu ở nhà vô cùng.
Giờ ở nhà với bà con đã ăn cháo chưa? Con gái đã uống sữa chưa? Con gái có nhớ ba mẹ không? Nhìn những bạn cùng lứa con nơi vùng cao thật nhọc nhằn vất vả. Bé tý các bạn đã theo mẹ đi làm nương rồi. Trời lạnh cũng chỉ có manh áo thôi, đầu không mũ, chân không tất ... nhưng sự chọn lọc tự nhiên cho các bạn một sức khỏe tốt hơn con của ba mẹ.
Chia sẻ với các bạn vùng cao, ba mẹ đã mua bánh kẹo chia quà cho các bé. Các bạn vui và phấn khởi lắm.
Còn con gái, quà cho con là sự trở về nhà của ba mẹ theo đúng lịch trình nhé. Và cả những bộ trang phục dân tộc rất đáng yêu nữa. Con diện vào vừa xinh .
Diện trang phục dân tộc, trông con không khác gì các bạn nơi vùng núi. Ba mẹ cũng ngỡ ngàng vì khác hẳn một Chích Bông hay diện áo dài, khăn xếp, áo bà ba ... mà ba mẹ từng cho con diện.
Nước Việt Nam có 54 dân tộc anh em con gái ạ. 54 dân tộc có bản sắc rất riêng và một phần thể hiện qua trang phục. Ba mẹ rất vui vì con gái của ba mẹ cũng rất hào hứng diện những trang phục của các bạn dân tộc khác.
Mỗi vùng đất ba mẹ đi qua, ba mẹ đều cố gắng mang về cho con một chút quà kỷ niệm. Trong tủ đồ mini của Chích Bông đã có thêm những chiếc váy, chiếc áo và khăn của đồng bào H'Mông rồi nhé.
Chu Hồng Đông